- Back to Home »
- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ QUỐC TỊCH
Posted by : Unknown
Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2014
HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CỦA CHÍNH PHỦ
1. Khái niệm về quốc tịch
Quốc tịch là một khái niệm ra đời vào thời kỳ quá độ từ chế độ phong kiến lên chủ nghĩa tư bản. Khái niệm này xuất hiện cùng với tư tưởng tiến bộ của cách mạng tư sản. Thông thường, người nào cũng có một tổ quốc và từ khi sinh ra đều mang một quốc tịch nhất định. Đây không chỉ là vấn đề tình cảm và tâm lý mà còn là mối liên hệ giữa cá nhân đó với nhà nước. Mối liên hệ này xác định địa vị pháp lý của họ. Trong các xã hội khác nhau, thời kỳ lịch sử khác nhau, công dân sẽ có địa vị pháp lý khác nhau. Địa vị pháp lý đó được củng cố và hoàn thiện hơn qua từng giai đoạn phát triển của xã hội. Bởi vậy, thời điểm lịch sử thay đổi dẫn đến khái niệm về quốc tịch, pháp luật về quốc tịch thay đổi.
Trong hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia, quốc tịch là một chế định pháp lý bao gồm các quy định điều chỉnh hình thức và nội dung mối quan hệ pháp luật được thiết lập giữa cá nhân với một Nhà nước, trên cơ sở đó làm phát sinh quyền và nghĩa vụ qua lại giữa Nhà nước và công dân. Quốc tịch là căn cứ duy nhất xác định công dân của một Nhà nước, là “sự quy thuộc của một người vào một quốc gia nào đó”. Mỗi quốc gia có một chế định pháp lý khác nhau về quốc tịch, do vậy, Luật quốc tịch mỗi nước quy định cụ thể vấn đề về nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch của mỗi công dân phù hợp với đặc thù của nước đó.
Pháp luật về quốc tịch của mỗi nước có những nội dung khác nhau trong đó có sự thừa nhận sự bình đẳng của các cá nhân với nhau trong mọi lĩnh vực đời sống đảm bảo thực hiện nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật phù hợp với luật quốc tế. Sự quy thuộc về mặt pháp lý trong vấn đề quốc tịch đồng nghĩa với việc một công dân nhận được các quyền lợi mà nhà nước và pháp luật nước này đảm bảo cho họ được thụ hưởng, đồng thời xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà nước đó đối với việc bảo vệ quyền lợi cho cá nhân trong mối quan hệ với cộng đồng dân cư của quốc gia mà họ là công dân, cũng như trong mối quan hệ quốc tế mà người đó tham gia nhân danh chính cá nhân họ.
Một yếu tố quan trọng góp phần cấu tạo nên quốc gia là cư dân sống trên lãnh thổ quốc gia và việc tổ chức Nhà nước có mối quan hệ qua lại với cư dân đó. Mỗi quốc gia có những tập hợp dân cư khác nhau và có mối quan hệ cũng rất khác nhau với Nhà nước. Mối quan hệ phức tạp này trong khoa học pháp lý gọi là quốc tịch.
Quốc tịch là một phạm trù chính trị – pháp lý, thể hiện mối quan hệ gắn bó, bền vững về chính trị và pháp lý giữa Nhà nước và cá nhân, là căn cứ pháp lý duy nhất xác định công dân của một Nhà nước và trên cơ sở đó làm phát sinh quyền và nghĩa vụ qua lại giữa Nhà nước và công dân.
Tuyên ngôn nhân quyền 1948 đã khẳng định “Tất cả mọi người đều có quyền có quốc tịch. Không ai được tùy tiện tước bỏ quốc tịch hoặc từ chối quyền thay đổi quốc tịch của người khác” (Điều 15 Tuyên ngôn nhân quyền 1948). Có thể nói, quyền có quốc tịch là kim chỉ nam xuyên suốt và là cơ sở đầu tiên cho việc thực thi các quyền công dân khác.
Theo từ điển Oxford của Anh: Quốc tịch là sự quy thuộc của một người vào một quốc gia nào đó. Theo từ điển Bách khoa Luật của Liên Xô cũ thì “quốc tịch là sự quy thuộc về mặt pháp lý và chính trị của một cá nhân vào một Nhà nước thể hiện mối quan hệ qua lại giữa Nhà nước và cá nhân. Nhà nước quy định các quyền cho cá nhân là công dân của mình, bảo vệ và bảo hộ công dân đó ở nước ngoài. Về phần mình, công dân phải tuân theo pháp luật của Nhà nước và hoàn thành các nghĩa vụ đối với Nhà nước”. Còn các chuyên gia Mỹ thì cho rằng quốc tịch là một đặc tính phát sinh từ sự kiện quy thuộc của một người vào một quốc gia nào đó. Luật Quốc tịch Lào khẳng định: Quốc tịch Lào thể hiện mối quan hệ pháp luật và chính trị, ràng buộc một người nào đó với Nhà nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và là cơ sở xác định người đó có địa vị là công dân Lào.
Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998 và Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 đều xác định: “Quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với công dân Việt Nam”.
Như vậy, quốc tịch là một khái niệm, một phạm trù chính trị – pháp lý xác định một mối quan hệ giữa cá nhân một con người với một Nhà nước nhất định. Quan hệ này cho phép xác định con người nào đó là công dân của một nước cụ thể. Mỗi quốc gia có một chế độ pháp lý khác nhau về quốc tịch. Mối liên hệ pháp lý này được biểu hiện ở tổng thể các quyền và nghĩa vụ của người đó đối với quốc gia mà họ mang quốc tịch và tổng thể quyền và nghĩa vụ của quốc gia đối với công dân của mình. Do vậy, Luật quốc tịch quy định cụ thể về vấn đề nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch, tước quốc tịch đối với công dân phù hợp với đặc thù của nước đó.
Quốc tịch gắn liền với mỗi con người từ khi sinh ra đến khi chết đi, là tiền đề để họ được hưởng các quyền công dân và làm nghĩa vụ công dân đối với nhà nước mà mình mang quốc tịch.
2. Nguyên tắc một quốc tịch, hai hay nhiều quốc tịch
2.1. Nguyên tắc một quốc tịch
Qua nghiên cứu Luật Quốc tịch của một số nước trên thế giới, chúng ta có thể nhận thấy rằng nguyên tắc một quốc tịch là nguyên tắc phổ biến nhất. Các nước theo nguyên tắc một quốc tịch như Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Nga, Đức… đưa ra các quy định nhằm đảm bảo nguyên tắc một quốc tịch là người nước ngoài muốn nhập quốc tịch của các nước này thì phải từ bỏ quốc tịch gốc của mình, công dân các nước này nếu tự nguyện nhập quốc tịch của nước ngoài sẽ đương nhiên mất quốc tịch gốc. Tuy nhiên ở một số nước, nguyên tắc một quốc tịch được đánh giá là nguyên tắc một quốc tịch mềm dẻo vì ngoài những trường hợp bắt buộc phải thôi quốc tịch, thì họ có thể được xem xét để được phép giữ quốc tịch gốc khi nhập quốc tịch nước ngoài.
Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là nước có nhiều dân tộc, người của các dân tộc đều mang quốc tịch Trung Quốc. Luật Quốc tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (15/6/2005) quy định người nước ngoài xin nhập quốc tịch Trung Quốc, ngoài các điều kiện quy định tại Điều 3 đến Điều 7 của Luật này như cư trú trên lãnh thổ Trung Quốc mỗi năm 183 ngày trong vòng 5 năm liên tục, đủ 20 tuổi trở lên, có vợ hoặc chồng là là công dân Trung Quốc, là con nuôi của công dân Trung Quốc…, người đó còn phải cung cấp Quyết định thôi quốc tịch của họ. Trường hợp người đó tuyên bố không thể có được Quyết định thôi quốc tịch mà lý do không phải do người đó và được điều tra, khẳng định điều đó là sự thật thì người đó không cần phải cung cấp Quyết định thôi quốc tịch.
Công dân Hàn Quốc tự nguyện nhập quốc tịch nước ngoài sẽ mất quốc tịch nước Cộng hoà Hàn Quốc ngay tại thời điểm nhập quốc tịch nước ngoài nếu người đó không gửi thông báo mong muốn được giữ quốc tịch Hàn Quốc đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong vòng 6 tháng kể từ khi người đó được nhập quốc tịch nước ngoài. Đối với những người đã mất quốc tịch Hàn Quốc do nhập quốc tịch nước ngoài thì nơi người đó được nhập quốc tịch sẽ là nơi cấp hộ chiếu đầu tiên đối với họ.
Nếu Luật Quốc tịch của Trung Quốc, Hàn Quốc quy định người xin nhập quốc tịch nước họ sẽ phải từ bỏ quốc tịch cũ thì Luật Quốc tịch Lào lại khẳng định tại Điều 2: Nhà nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào không cho phép công dân Lào cùng một lúc có nhiều quốc tịch.
Công dân Thái Lan đã nhập quốc tịch nước ngoài, hoặc người đã thôi quốc tịch Thái Lan, hoặc đã bị tước quốc tịch Thái Lan sẽ mất quốc tịch Thái Lan.
Người có quốc tịch Thái Lan mà có cha là người nước ngoài và có thể có quốc tịch của người cha theo pháp luật của nước mà người cha có quốc tịch sẽ mất quốc tịch Thái Lan nếu người này lấy thẻ căn cước người nước ngoài theo pháp luật về đăng ký người nước ngoài.
Tương tự như pháp luật một số nước trên thế giới, nguyên tắc xác định quốc tịch của Nhật Bản có sự kết hợp giữa truyền thống phương Đông và hội tụ những ưu điểm của luật pháp phương Tây. Đó chính là nguyên tắc một quốc tịch mềm dẻo. Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ không đồng ý cho người nước ngoài nhập quốc tịch Nhật Bản nếu họ không xin thôi quốc tịch nước ngoài.
Tuy nhiên, trường hợp người nước ngoài không thể xin thôi quốc tịch hiện có của họ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể cho phép họ nhập quốc tịch Nhật Bản, mặc dù người đó không đáp ứng được điều kiện này, nếu Bộ trưởng Bộ Tư pháp xét thấy hoàn cảnh ngoại lệ như có quan hệ với họ hàng với công dân Nhật Bản, hoặc một số trường hợp ngoại lệ khác.
Công dân nước ngoài được nhập quốc tịch Cộng hoà liên bang Nga trong trường hợp từ bỏ quốc tịch cũ của mình, nếu Điều ước quốc tế của Cộng hoà liên bang Nga không quy định khác. Việc xác định quốc tịch Nga có thể nói là linh hoạt, mềm dẻo, công dân Cộng hoà liên bang Nga có thể được cho phép, theo đơn yêu cầu của họ, đồng thời có quốc tịch của một nước mà Cộng hoà liên bang Nga có Điều ước quốc tế tương ứng quy định về vấn đề này.
Luật quốc tịch các nước không quy định thành nguyên tắc cứng nhưng quan điểm một quốc tịch là quan điểm xuyên suốt toàn bộ nội dung của Luật Quốc tịch các nước nêu trên, chỉ trừ những trường hợp đặc biệt luật quy định thì công dân của nước đó mới được phép mang hai quốc tịch.
2.2.Nguyên tắc hai hay nhiều quốc tịch
Bên cạnh các nước theo nguyên tắc một quốc tịch thì có một số nước cho phép công dân của nước họ có quyền mang hai hay nhiều quốc tịch.
Luật Quốc tịch Ôxtrâylia không bắt buộc người nước ngoài từ bỏ quốc tịch nước ngoài khi nhập quốc tịch Ôxtrâylia. Trong trường hợp kết hôn, công dân Ôxtrâylia có quyền mang cả hai quốc tịch.
Luật Quốc tịch Canada cũng có điểm tương đồng cơ bản nhất đó là cho phép công dân Canada có quốc tịch nước ngoài mà không bị mất quốc tịch Canada hoặc nhập quốc tịch Canada mà không phải thôi quốc tịch cũ của họ.
Theo nghiên cứu của một số nước thì việc có nhiều quốc tịch đem lại lợi ích thực tế cho bản thân như đảm bảo việc tìm kiếm việc làm hoặc lợi ích xã hội của từng cá nhân. Việc cho phép có hai quốc tịch có thể làm cho các cá nhân cảm thấy họ được gắn kết nhiều hơn vì họ có quan hệ chặt chẽ với nhiều quốc gia, họ thấy bản thân được tạo điều kiện hơn trong rất nhiều các lĩnh vực.
Tuy nhiên, vấn đề có nhiều quốc tịch cũng được một số nhà lập pháp dự liệu có thể đem lại bất lợi cho công dân của nước họ trong việc xung đột pháp luật giữa các nước và khó khăn đối với Nhà nước trong quan hệ quốc tế như tranh chấp về bảo hộ ngoại giao.
3. Các căn cứ để xác định quốc tịch
Việc xác định công dân có quốc tịch nước nào phải dựa trên những căn cứ pháp lý. Mỗi quốc gia đều có những căn cứ cụ thể để xác định quốc tịch cho công dân của mình.
Về cơ bản các quốc gia trên thế giới xác định quốc tịch theo ba nguyên tắc: nguyên tắc huyết thống, nguyên tắc lãnh thổ và nguyên tắc thỏa thuận quốc tế.
Nguyên tắc huyết thống: Nguyên tắc này quy định trẻ em sinh ra có cha mẹ, có cha hoặc mẹ là công dân nước nào thì được công nhận có quốc tịch nước đó. Trường hợp có xung đột về quốc tịch do cha và mẹ là công dân hai nước khác nhau thì pháp luật quy định lựa chọn quốc tịch cho con.
Nguyên tắc lãnh thổ: Nguyên tắc này quy định trẻ em sinh ra trên lãnh thổ nước nào thì mang quốc tịch nước đó nếu cha hoặc mẹ là công dân nước đó hoặc không xác định được cha mẹ là ai.
Nguyên tắc thỏa thuận quốc tế: Công ước Liên hợp quốc về hạn chế tình trạng không quốc tịch, các nước cam kết “hành động theo Nghị quyết 896 (IX) do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 04/12/1954; xem xét một cách thiện chí để giảm tình trạng không quốc tịch bằng một điều ước quốc tế”. Các quốc gia có thỏa thuận đa phương hoặc song phương về quốc tịch, những thỏa thuận này là cơ sở xác định một bộ phận dân cư nhất định thuộc quốc tịch nước nào.
Theo Luật Quốc tịch Cộng hòa Pháp, một người có quốc tịch Pháp theo hai con đường: hưởng quốc tịch Pháp và vào quốc tịch Pháp.
Hưởng quốc tịch Pháp dựa trên các quan hệ thuyết thống, do sinh ra trên lãnh thổ Pháp và có cha mẹ cũng được sinh ra tại Pháp.
Trẻ em sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Pháp thì có quốc tịch Pháp. Quan hệ huyết thống hình thành từ việc cho nhận con nuôi chỉ có hệ quả đối với việc hưởng quốc tịch Pháp khi việc cho con nuôi này được tiến hành theo chế định pháp lý con nuôi đầy đủ và tại thời điểm đó, trẻ em đang ở độ tuổi vị thành niên.
Bên cạnh căn cứ về huyết thống, trẻ em còn được hưởng quốc tịch Pháp do được sinh ra trên lãnh thổ nước Pháp và có cha hoặc mẹ cũng được sinh ra ở Pháp. Trẻ em sinh ra tại Pháp mà không rõ cha mẹ là ai hay cha mẹ là người không quốc tịch, hoặc cha mẹ không chuyển quốc tịch cho con thì được hưởng quốc tịch Pháp.
Ngoài ra, một người vào quốc tịch Pháp do kết hôn, do làm con nuôi trọn vẹn, do được sinh ra và cư trú tại Pháp, bằng cách khai xin nhập quốc tịch, xin trở lại quốc tịch.
Nếu như Luật Quốc tịch Pháp phân loại các căn cứ có quốc tịch Pháp thành hai loại: hưởng quốc tịch và vào quốc tịch thì Luật Quốc tịch Đức lại quy định rõ có 4 căn cứ chính: do sinh ra, do sự hợp pháp hóa, do được nhận làm con nuôi và thông qua việc nhập quốc tịch.
Người có quốc tịch Đức do sinh ra bao gồm con trong giá thú nếu có cha hoặc mẹ là công dân Đức, con ngoài giá thú nếu có mẹ là người Đức. Con ngoài giá thú của người đàn ông Đức được nhập quốc tịch Đức nếu việc xác định cha cho đứa trẻ đã có hiệu lực theo pháp luật của Đức, người con đã sinh sống thường xuyên ở trong nước từ 3 năm trở lên và làm đơn xin nhập quốc tịch trên cơ sở đơn yêu cầu, nếu phù hợp với các điều kiện tương tự xin gia nhập quốc tịch Đức.
Người có quốc tịch Đức do sự hợp pháp hoá bao gồm các trường hợp: con được bố là công dân Đức hợp pháp hoá mà sự hợp pháp hoá này có hiệu lực theo pháp luật của Đức được mang quốc tịch của bố hoặc thông qua việc kết hôn.
Việc nhận con nuôi cũng là căn cứ xác định quốc tịch cho trẻ em. Trẻ em chưa đủ 18 tuổi được công dân Đức nhận làm con nuôi thì được hưởng quốc tịch Đức.
Căn cứ thứ 4 để xác định quốc tịch Đức là thông qua việc nhập quốc tịch. Người nước ngoài định cư trong nước có thể được nhập quốc tịch theo đơn yêu cầu gửi tới Nhà nước Cộng hoà Liên bang Đức kèm theo việc đáp ứng các điều kiện của Luật Quốc tịch Cộng hoà liên bang Đức.
Ngoài những căn cứ cơ bản giống như các nước trên thế giới, Luật Quốc tịch Cộng hoà liên bang cũng như Luật Quốc tịch Việt Nam còn đưa ra căn cứ lựa chọn quốc tịch khi có thay đổi chủ quyền lãnh thổ quốc gia và do các lý do khác được quy định trong các Điều ước quốc tế.
Tương tự, nguyên tắc xác định Luật Quốc tịch Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng theo thông lệ quốc tế là nguyên tắc lãnh thổ, nguyên tắc huyết thống và nguyên tắc thoả thuận quốc tế.
Xét về phương diện của mỗi quốc gia, quốc tịch gắn liền với mỗi con người kể từ khi sinh ra đến khi mất đi, là tiền đề để họ hưởng các quyền công dân và làm nghĩa vụ công dân trong quan hệ với Nhà nước mà mình mang quốc tịch. Do vậy, việc quy định các căn cứ xác định quốc tịch là nhiệm vụ quan trọng của các nhà làm luật.
4. Điều kiện nhập quốc tịch
Trên cơ sở những căn cứ pháp lý để xác định quốc tịch, pháp luật mỗi nước quy định các điều kiện nhập quốc tịch cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước.
Đạo luật Quốc tịch Ôxtrâylia quy định các điều kiện về nhập quốc tịch Úc. Mọi cá nhân đang thường trú tại Ôxtrâylia đều có thể nộp đơn xin nhập quốc tịch Ôxtrâylia nếu họ đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định. Bộ trưởng Bộ Di trú và Đa sắc tộc Ôxtrâylia sau khi nhận được đơn theo đúng thể thức quy định sẽ cấp Giấy chứng nhận quốc tịch Ôxtrâylia cho đương sự nếu họ đáp ứng được các điều kiện : đủ 18 tuổi; hiểu được ý nghĩa của việc nộp đơn, có phẩm chất đạo đức tốt; đã thường trú tại Ôxtrâylia trong thời gian 2 năm trước khi nộp đơn; hiểu biết về quyền lợi và trách nhiệm của công dân Ôxtrâylia; sau khi được nhập quốc tịch phải thường xuyên có mối liên hệ chặt chẽ với đất nước Ôxtrâylia.
Đồng thời, Đạo luật Quốc tịch Ôxtrâylia quy định những trường hợp được ưu tiên, miễn trừ một số điều kiện đối với cá nhân đã phục vụ trong quân đội từ 3 tháng trở lên.
Có thể nói, hầu hết các nước Châu Á đều quy định điều kiện một người muốn nhập quốc tịch phải có khả năng đảm bảo cuộc sống. Điều này xuất phát từ điều kiện kinh tế – xã hội của từng nước, của khu vực. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản sẽ không đồng ý cho một người nhập quốc tịch Nhật Bản nếu họ không đáp ứng được các điều kiện về thời gian cư trú, về tư cách đạo đức, khả năng ngôn ngữ, về tư tưởng chính trị … như Luật Quốc tịch các nước quy định; ngoài ra con phải đáp ứng điều kiện: có khả năng đảm bảo cuộc sống của mình bằng nguồn tài sản tự có hoặc bằng khả năng của mình hoặc do vợ, chồng, những người họ hàng chi trả.
Xuất phát từ những quy định tại Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (1948), Công ước của Liên hợp quốc về hạn chế tình trạng không quốc tịch (1975) và đặc thù của mỗi nước, các nhà lập pháp quy định các điều kiện nhập tịch có những điểm tương đồng như mỗi cá nhân phải có phẩm chất đạo đức tốt, chưa bị kết án tù, có hiểu biết cơ bản về văn hóa của nước đó, từ 18 hoặc 20 tuổi trở lên, cư trú trên lãnh thổ nước đó một thời gian nhất định…Luật Quốc tịch các nước còn quy định cụ thể các trường hợp được miễn, giảm các điều kiện nhập quốc tịch để hạn chế tối đa tình trang không quốc tịch như tinh thần của Công ước của Liên hợp quốc về hạn chế tình trạng không quốc tịch.
5. Về vấn đề mất quốc tịch.
Bên cạnh những quy định về có quốc tịch, luật quốc tịch các nước còn quy định về vấn đề mất quốc tịch của một cá nhân. Nhìn chung, luật quốc tịch các nước có những quy định tương đối thống nhất, ít có xung đột pháp luật.
Luật quốc tịch Thái Lan quy định các trường hợp mất quốc tịch Thái Lan: do kết hôn, do tuyên bố từ bỏ, do bị tước quốc tịch, do có quốc tịch nước ngoài và một số trường hợp khác
Mất quốc tịch Thái Lan do kết hôn là việc một phụ nữ có quốc tịch Thái Lan kết hôn với người nước ngoài và có thể có quốc tịch của người chồng theo pháp luật nước mà người chồng có quốc tịch, phải tuyên bố thôi quốc tịch Thái Lan trước cán bộ có thẩm quyền.
Đối với phụ nữ nước ngoài đã có quốc tịch Thái Lan do kết hôn thì sẽ mất quốc tịch Thái Lan nếu việc kết hôn được đăng ký do giấu giếm các thông tin cá nhân, có những lời khai dối trá hoặc có những hành vi làm tổn hại an ninh quốc gia, trái với lợi ích của Nhà nước Thái Lan, trái với đạo đức xã hội.
Mất quốc tịch Thái Lan do tuyên bố từ bỏ quốc tịch trong trường hợp một cá nhân khi sinh ra đã có quốc tịch của người cha theo pháp luật của nước mà người cha có quốc tịch thì phải lựa chọn quốc tịch, tuyên bố từ bỏ quốc tịch Thái Lan trong vòng một năm kể từ ngày người đó đủ 20 tuổi. Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ xem xét để cho thôi quốc tịch trừ trường hợp Thái Lan đang có xung đột vũ trang hoặc đang trong tình trạng chiến tranh thì Bộ trưởng có thể ra lệnh không cho thôi quốc tịch.
Trong những trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ có quyền tước quốc tịch Thái Lan như có chứng cứ cho thấy rằng người đó vẫn còn sử dụng quốc tịch trước đó của mình, người này đã cư trú ở nước ngoài mà không có nơi thường trú ở Thái Lan trong thời gian năm năm trở lên, người này thực hiện hành vi trái với trật tự, đạo đức xã hội. Sau khi ra quyết định tước quốc tịch, Bộ trưởng Bộ Nội vụ phải trình việc này lên để Nhà vua biết.
Khác với Luật quốc tịch Ôxtrâylia, Luật quốc tịch Thái Lan và một số nước khác, Luật quốc tịch Đức không quy định chế định tước quốc tịch. Do vậy, vấn đề mất quốc tịch không có trường hợp nào bị tước quốc tịch. Việc mất quốc tịch không được dẫn đến tình trạng công dân Đức trở thành người không quốc tịch. Lý do mất quốc tịch là do thôi quốc tịch, có quốc tịch nước ngoài, từ bỏ quốc tịch, được nhận làm con nuôi của một người nước ngoài. Tuy nhiên, việc cho thôi quốc tịch được coi là không có kết quả nếu trong vòng một năm kể từ ngày nhận được Quyết định cho thôi quốc tịch, người đó không được nhập quốc tịch nước ngoài. Trường hợp công dân Đức trước khi nhập quốc tịch nước ngoài mà có đơn xin giữ quốc tịch Đức thì sẽ được xem xét để không bị mất quốc tịch Đức của mình. Công dân Đức có thể từ bỏ quốc tịch Đức nếu họ có quốc tịch của một quốc gia khác. Việc từ bỏ quốc tịch Đức phải được tuyên bố bằng văn bản.
Luật quốc tịch Cộng hòa liên bang Nga quy định các lý do mất quốc tịch Nga như: do thôi quốc tịch Nga, do thay đổi quyết định cho nhập quốc tịch, lựa chọn quốc tịch khi có thay đổi lãnh thổ quốc gia và do các lý do khác quy định trong Điều ước quốc tế của Cộng hòa liên bang Nga tham gia hoặc ký kết.
Việc xin thôi quốc tịch có thể không được cơ quan có thẩm quyền Nga chấp thuận nếu công dân Nga xin thôi quốc tịch sau khi nhận được giấy gọi thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc đang thực hiện nghĩa vụ quân sự và trước khi hoàn thành nghĩa vụ đó. Nếu công dân Nga đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay đang phải chấp hành bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Một lý do làm mất quốc tịch Nga của công dân Nga là hủy Quyết định cho nhập quốc tịch Nga. Việc khai man và giả mạo giấy tờ nhập quốc tịch Nga của một người sẽ bị cơ quan có thẩm quyền Nga xem xét và hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch. Quyết định cho nhập quốc tịch Nga có thể bị hủy bỏ trong thời gian năm năm sau khi vào quốc tịch.
Xét về nội luật của từng quốc gia, chúng ta có thể nhận thấy một số điểm chung cơ bản trong việc đề ra nguyên tắc xác định quốc tịch, các quy định về có quốc tịch, mất quốc tịch của một con người. Các quy định này ghi nhận quyền và nghĩa vụ nói riêng cũng như địa vị pháp lý của công dân nước đó. Nhìn chung, ngày nay chế định quốc tịch đã được thay đổi và phát triển với những nội dung mới thể hiện đặc thù của quốc gia đồng thời phù hợp với pháp luật quốc tế.
6. Thẩm quyền giải quyết và cơ quan tiếp nhận hồ sơ quốc tịch
Quốc tịch là vấn đề mang tính chất quốc gia nên luật pháp các nước đều giao thẩm quyền giải quyết các việc quốc tịch cho các cơ quan chủ chốt. Cụ thể: Uỷ ban thường trực Hội đồng nhân dân tối cao Lào có thẩm quyền giải quyết các vấn đề nhập quốc tịch, mất, trở lại, thôi quốc tịch. Các hồ sơ quốc tịch của đương sự nộp tại Bộ Tư pháp nếu đương sự cư trú trong nước; nếu đương sự cư trú ở nước ngoài thì hồ sơ nộp tại Đại sứ quán hoặc Tổng lãnh sự quán của nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ở nước sở tại đó. Trong trường hợp ở nước đó không có Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Lào thì gửi đơn đến Bộ ngoại giao nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.
Luật Quốc tịch Hàn Quốc, Nhật Bản quy định thẩm quyền giải quyết các việc về quốc tịch và cơ quan nhận hồ sơ thuộc về Bộ Tư pháp, trừ trường hợp nhập quốc tịch của người nước ngoài có công trạng đặc biệt với Hàn Quốc, Nhật Bản thì phải có sự đồng ý của người đứng đầu Nhà nước.
Khác với Nhật Bản, Luật Quốc tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Luật Quốc tịch Thái Lan quy định thẩm quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến quốc tịch và cơ quan tiếp nhận hồ sơ lại thuộc về Bộ Nội vụ. Tiêu chuẩn xác định, kiểm tra, miễn kiểm tra, lệ phí và các vấn đề liên quan đến tiếng dân tộc và sự hiểu biết về quyền và nghĩa vụ của họ đối với đất nước do Bộ trưởng Bộ nội vụ quyết định.
Luật Quốc tịch Ôxtrâylia quy định thẩm quyền giải quyết các việc về quốc tịch: Bộ trưởng Bộ di trú và đa sắc tộc.
Luật Quốc tịch Canada quy định thẩm quyền giải quyết thuộc Thống đốc Hội đồng. Việc cấp Giấy chứng nhận quốc tịch do Bộ trưởng cấp – Bộ trưởng là thành viên của Hội đồng nội các của Nữ hoàng Canada. Các hồ sơ quốc tịch nộp tại Hội đồng nội các Canada.
Ở Nga, Tổng thống liên bang là người có toàn quyền quyết định các việc về quốc tịch. Hồ sơ quốc tịch được gửi tới Bộ Nội vụ nếu đương sự ở trong nước, ở nước ngoài thì nộp hơ sơ xin nhập quốc tịch Liên bang Nga tại Bộ ngoại giao, cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan lãnh sự.
Nhìn chung, việc quy định thẩm quyền giải quyết vấn đề cho nhập, thôi, trở lại, tước quốc tịch căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan nhà nước cũng như đặc thù của từng quốc gia cho phù hợp với tình hình cụ thể của đất nước và có được sự đồng thuận với các nước trên Thế giới.
7. Xử lý xung đột
Hiện tượng xung đột pháp luật trong quan hệ quốc tịch giữa các nước hiểu theo nghĩa rộng và cấu trúc của quy phạm xung đột pháp luật tưởng chừng như đã được hiểu biết một cách thấu đáo. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy các giải pháp nhằm xử lý các hiện tượng xung đột về thẩm quyền xét xử và xung đột về luật áp dụng vẫn chưa đạt được sự thống nhất cao. Để giải quyết xung đột quốc tịch, các nước thường tham gia ký kết các điều ước quốc tế. Vì vậy, Luật Quốc tịch các nước hầu như không quy định các điều khoản về xung đột quốc tịch.
Luật Quốc tịch Canada quy định: Người không có quốc tịch Canada vi phạm Luật này cũng bị toà án Canada xét xử như công dân Canada.
Luật Quốc tịch Cộng hoà liên bang Nga lại quy định: Công dân Cộng hoà liên bang Nga không thể bị dẫn độ cho một nước khác trừ trường hợp dẫn độ theo quy định của Luật hoặc Điều ước quốc tế của Cộng hoà liên bang Nga. Nếu các Điều ước quốc tế của Cộng hoà liên bang Nga có những quy định khác với các quy định của Luật này thì áp dụng các quy định của Điều ước quốc tế đó.
Theo nguyên tắc chung tại Công ước La-Haye (12-4-1930), tại một nước thứ ba, một người có nhiều quốc tịch sẽ được coi như chỉ có một quốc tịch, không phương hại đến việc áp dụng pháp luật của nước mình về địa vị pháp lý của cá nhân và các Hiệp định đang có hiệu lực, nước thứ ba chỉ công nhận duy nhất một quốc tịch trong số các quốc tịch mà người đó có, hoặc công nhận quốc tịch của nước mà người đó thường trú và cư trú chủ yếu hoặc quốc tịch của nước mà tại thời điểm hiện tại người đó có mối quan hệ gắn bó.
Về tổng thể, luật pháp áp dụng đối với cá nhân sẽ là luật pháp của quốc gia mà cá nhân đó hiện thời đang sinh sống. Chính sách pháp luật và việc thực hiện các chính sách đối với mỗi cá nhân là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc cư trú của cá nhân đó. Nhìn chung pháp luật mỗi nước áp dụng không phân biệt đối xử đối với cộng đồng các nước nhằm hạn chế tình trạng không quốc tịch. Mỗi nước sẽ quy định bằng Luật ai là công dân nước mình. Luật này sẽ được các nước khác công nhận khi nó xây dựng phù hợp với các Công ước quốc tế, tập quán quốc tế và với các nguyên tắc pháp luật được công nhận chung về vấn đề quốc tịch./.
CÁC BẠN THAM KHẢO LUẬT QUỐC TỊCH MỘT SỐ NƯỚC VÀ TÀI LIỆU KHÁC TẠI ĐÂY