- Back to Home »
- Nam Đại Dương
Posted by : Unknown
Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014
Nam Đại Dương là một vùng nước bao quanh một châu lục là châu Nam Cực. Nó là đại dương lớn thứ tư và được xác định muộn nhất, chỉ được chấp thuận bằng quyết định của Tổ chức thủy văn quốc tế (IHO) năm 2000, mặc dù thuật ngữ này đã được sử dụng rất lâu và mang tính truyền thống trong các nhà hàng hải. Sự thay đổi này phản ánh những phát kiến gần đây trong lĩnh vựchải dương học về tầm quan trọng của các dòng hải lưu. Trước đây thì Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương được coi là mở rộng tới tận châu Nam Cực, định nghĩa này hiện nay vẫn còn được một số tổ chức địa lý sử dụng, trong đó có cả Hiệp hội Địa lý Quốc gia (NGS) của Mỹ.
Ấn bản lần thứ 2 (năm 1937) của IHO Limits of Oceans and Seas có đưa vào Nam Đại Dương; tuy nhiên, nó lại không xuất hiện trong ấn bản lần thứ ba (năm 1953) do sự biến động các giới hạn thủy văn phía bắc của nó theo mùa và do các nhà khoa học cảm thấy rằng một đại dương nên được định nghĩa như là "vùng nước bao quanh bởi đất" chứ không phải "vùng nước bao quanh đất". Các tổ chức thủy văn của từng quốc gia thành viên riêng rẽ đã định nghĩa các ranh giới của chính họ cho đại dương này; ví dụ Vương quốc Anh sử dụng vĩ tuyến 55° nam.[1]
IHO lại đưa vấn đề này ra năm 2000. Trong số 68 quốc gia thành viên thì 28 có phản ứng và gần như tất cả các thành viên có phản ứng, ngoại trừ Argentina, đã đồng ý định nghĩa một đại dương mới. Đề xuất cho tên gọi Southern Ocean (Nam Đại Dương) được 18 phiếu, vượt xa tên gọi đề xuất thứ hai là Antarctic Ocean (Nam Băng Dương/đại dương Nam Cực). Một nửa số phiếu ủng hộ cho việc kết thúc đại dương này tại 60° vĩ nam (mà không có các gián đoạn đất liền tại vĩ tuyến này), với 14 phiếu khác cho các định nghĩa khác, chủ yếu là 50° vĩ nam, nhưng có một số phiếu cho vĩ độ xa về phía bắc tới 35° vĩ nam.
Một số các nguồn khác, như Hiệp hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ (NGS) vẫn tiếp tục thể hiện Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương như là các đại dương trải rộng tới sát bờ biển châu Nam Cực.
Về mặt địa lý hải dương học nó được định nghĩa như là một đại dương gắn liền với hải lưu vòng Nam Cực, là hải lưu lưu thông xung quanh châu Nam Cực. Nó bao gồm biển Amundsen, biển Bellingshausen, một phần của hành lang Drake, biển Ross, một phần nhỏ của biển Scotia và biển Weddell. Tổng diện tích của nó là 20.327.000 km² và đường bờ biển kéo dài 17.968 km.
Các tọa độ địa lý của nó về danh nghĩa là 65°00′ nam và 0°00′ đông, nhưng Nam Đại Dương có nét đặc biệt duy nhất do người ta vẫn coi nó như là một vùng nước lưu thông lớn có dạng vòng tròn bao quanh châu Nam Cực; vòng tròn này nằm giữa vĩ tuyến 60° nam và bờ biển của châu Nam Cực cũng như nó chứa đựng đủ 360° tính theo kinh độ.
Tuy nhiên, định nghĩa này không phải là phổ biến. Tại Úc thì Nam Đại Dương được định nghĩa giống như định nghĩa của IHO nhưng có bao gồm toàn bộ vùng nước còn lại nằm giữa châu Nam Cực và các bờ biển phía nam của Úc và New Zealand cũng như được thể hiện trên bản đồ giống như vậy. Cụ thể, các bản đồ bờ biển của Tasmania và Nam Úc luôn luôn đánh dấu các khu vực biển là Nam Đại Dương mà không bao giờ là Ấn Độ Dương.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia