Posted by : Unknown Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

Nhằm giúp các doanh nghiệp nắm bắt nhanh Bộ Luật lao động năm 2012, Cổng Thông tin Điện tử thành phố trân trọng giới thiệu đến các doanh nghiệp một số nội dung cơ bản của Bộ luật. 
 Cụ thể như sau:
 
1. Việc làm
Nội dung Chương này tập trung sửa đổi, bổ sung chủ yếu vào những vấn đề cụ thể sau:
- Bỏ quy định các hành vi cấm tại Điều 19 của Bộ luật lao động hiện hành như cấm các hành vi “dụ dỗ, hứa hẹn và quảng cáo gian dối để lừa gạt người lao động… để thực hiện những hành vi trái pháp luật”.
- Thay cụm từ “Tổ chức giới thiệu việc làm” thành “Tổ chức dịch vụ việc làm”.
- Chuyển nội dung của Điều 17 quy định về trợ cấp mất việc làm sang nội dung của Chương III “Hợp đồng lao động” và quy định cụ thể về cách tính trợ cấp mất việc làm khi đã có chế độ Bảo hiểm thất nghiệp.
- Bỏ quy định “các doanh nghiệp phải lập quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm” để trợ cấp cho người lao động trong doanh nghiệp.
2. Hợp đồng lao động
Nội dung Chương này tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề chính sau đây:
- Thêm một mục gồm 6 Điều có nội dung hoàn toàn mới về cho thuê lại lao động, trong đó quy định những vấn đề cơ bản, chủ yếu về hình thức sử dụng lao động mới.
- Bổ sung nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động trên tinh thần tự do, tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, trung thực và hợp tác nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể (nếu có) và đạo đức xã hội.
- Bổ sung quy định “trước khi nhận người lao động vào làm việc” thì người lao động và người sử dụng lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.
- Bổ sung nội dung về nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động khi có yêu cầu của một trong hai bên trước khi giao kết hợp đồng lao động.
- Bổ sung những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động hoặc yêu cầu người lao động phải nộp một khoản tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
- Về loại hợp đồng lao động, Bộ luật lao động năm 2012 cơ bản vẫn giữ quy định có 3 loại hợp đồng, tuy nhiên đối với hai loại hợp đồng lao động là Hợp đồng lao động xác định thời hạn và Hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng, thì trong trường hợp đã hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới. Nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì loại hợp đồng lao động xác định thời hạn mà hai bên đã giao kết trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn; còn loại hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc có thời hạn dưới 12 tháng trở thành loại hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.
- Bổ sung quy định mới về Phụ lục hợp đồng lao động để hai bên có thể dùng phụ lục hợp đồng để giao kết những nội dung mới so với nội dung đã có.
- Nâng mức lương thử việc của người lao động trong thời gian thử việc, ít nhất phải bằng 85% mức lương cấp bậc của công việc đó.
- Bổ sung quy định mới về hình thức làm việc không trọn thời gian nhằm đảm bảo các chế độ lao động đối với người lao động khi thỏa thuận với người sử dụng lao động lựa chọn hình thức làm việc này.
- Về các trường hợp chấp dứt hợp đồng lao động, Bộ luật lao động năm 2012 đã bổ sung một số nội dung quan trọng về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, như: người lao động bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự; người lao động chết...
Tuy nhiên, đối với trường hợp hết hạn hợp đồng lao động của người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn thì được gia hạn hợp đồng lao động đến hết nhiệm kỳ.
- Bổ sung trường hợp người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi người đó bị “quấy rối tình dục”.
- Bổ sung mức tiền mà người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật mà người lao động cũng đồng ý không muốn trở lại nơi làm việc cũ, thì ngoài khoản tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và tiền trợ cấp thôi việc cứ mỗi năm làm việc được trợ cấp nửa tháng tiền lương nếu người lao động đã làm việc thường xuyên tại doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên, người sử dụng lao động phải bồi thường thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động của người lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
 - Bổ sung điều mới về việc phải lập phương án sử dụng lao động của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ, vì lý do kinh tế, sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã mà việc này có nguy cơ làm nhiều người lao động mất việc làm, thôi việc.
- Bổ sung nhóm quy định mới gồm 3 điều quy định về hợp đồng lao động vô hiệu, trong đó quy định các trường hợp được coi là hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ, vô hiệu từng phần.
 3. Học nghề, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
-Trách nhiệm của người sử dụng lao động về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề;
- Học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động;
- Hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí dạy nghề.
- Tuổi học nghề.
- Hết thời gian học nghề, tập nghề nếu đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012, thì hai bên phải ký kết hợp đồng lao động;
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm tạo điều kiện để người lao động tham gia đánh giá kỹ năng nghề để được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề.
4. Đối thoại tại nơi làm việc, Thương lượng tập thể, Thỏa ước lao động tập thể.
Chương này có một nội dung mới sau đây:
- Bổ sung mục mới Đối thoại tại nơi làm việc, trong đó quy định rõ mục đích, hình thức đối thoại và việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc.
- Bổ sung mục Thương lượng tập thể để quy định về mục đích, nguyên tắc, quyền yêu cầu thương lượng tập thể, đại diện thương lượng, nội dung, quy trình và trách nhiệm của các bên trong thương lượng tập thể.
- Bổ sung một số nguyên tắc thương lượng tập thể, ngoài những nguyên tắc đã được đề cập tại Bộ luật lao độnghiện hành như: thương lượng tập thể được tiến hành định kỳ hoặc đột xuất; thương lượng tập thể được thực hiện tại địa điểm do hai bên thỏa thuận.
- Về đại diện thương lượng tập thể, Bộ luật lao động quy định: đại diện thương lượng tập thể trong phạm vi doanh nghiệp là tổ chức đại diện tập thể lao động cơ sở.
- Về nội dung thương lượng tập thể thì ngoài những nội dung của thương lượng tập thể đã được quy định, Bộ luật lao động năm 2012 bổ sung quyền của các bên trong việc đưa thêm những nội dung khác nếu thấy cần thiết để tiến hành thương lượng.
- Về quy trình thương lượng tập thể, Bộ luật lao động năm 2012 quy định gồm 2 bước chủ yếu: quy trình chuẩn bị thương lượng và quy trình tiến hành thương lượng.
- Bộ luật lao động năm 2012 quy định rõ về trách nhiệm của tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và cơ quan quản lý nhà nước về lao động trong thương lượng tập thể, theo nguyên tắc là không trực tiếp can thiệp vào quá trình thương lượng, thoả thuận của hai bên, nhưng phải hỗ trợ tích cực hai bên trong quá trình đàm phán, thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể.
- Về thẩm quyền tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu, Bộ luật lao động quy định Tòa án nhân dân có quyền tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu từng phần hoặc vô hiệu toàn bộ.
- Đối với những thảo ước lao động tập thể hết hạn mà hai bên vẫn tiếp tục thương lượng để kéo dài thời hạn của thoả ước hoặc ký kết thoả ước lao động tập thể mới thì thời hạn của thoả ước được kéo dài thêm trong Bộ luật lao động hiện hành là 3 tháng, Bộ luật lao động năm 2012 quy định trong trường hợp này thì thỏa ước lao động tập thể cũ vẫn được tiếp tục thực hiện trong thời gian không quá 60 ngày.
- Về Thỏa ước lao động tập thể ngànhBộ luật lao động hiện hành chỉ có một điều quy định về việc áp dụng theo nguyên tắc chung của Chương Thỏa ước lao động tập thểBộ luật lao động năm 2012 quy định 3 điều về Thỏa ước lao động tập thể ngành với các nội dung: đại diện ký kết thỏa ước lao động tập thể ngành, quan hệ giữa thỏa ước lao động tập thể ngành với thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp và thời hạn của thỏa ước ngành.
5. Tiền lương
Chương này có một số nội dung mới như sau:
- Về cơ cấu tiền lương, Bộ luật lao động năm 2012 qui định: Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Việc trả lương phải được thực hiện một cách bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
- Bổ sung việc thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia, trong đó có sự tham gia của tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương , là cơ quan tư vấn cho Chính phủ để nghiên cứu, khuyến nghị Chính phủ trong việc điều chỉnh, công bố mức lương tối thiểu.
- Bổ sung quy định trong trường hợp người sử dụng lao động thay đổi hình thức trả lương thì phải thông báo cho người lao động biết trước ít nhất 10 ngày.
- Về tiền lương làm thêm giờ trong trường hợp người lao động làm thêm giờ vào ban đêm, thì ngoài mức lương được trả vào ngày thường, ngày nghỉ hàng tuần, ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, làm việc vào ban đêm như quy định hiện hành, Bộ luật Lao động sửa đổi còn quy định người lao động khi làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc được trả lương theo quy định đối với các trường hợp làm thêm giờ và làm việc vào ban đêm còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.
- Quy định cụ thể về thời gian tạm ứng tiền lương trong trường hợp người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 1 tuần trở lên.
Chương VII : Thời giờ làm việc, Thời giờ nghỉ ngơi
Chương này có những nội dung mới như sau:
- Về giờ làm việc ban đêm, Bộ luật lao động năm 2012 thống nhất một mốc chung để áp dụng trong cả nước: giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.
- Bổ sung quyền của người sử dụng lao động trong việc quy định làm việc theo giờ ngoài việc quy định thời giờ làm việc theo ngày, theo tuần như quy định hiện hành.
- Quy định cụ thể những trường hợp đặc biệt làm thêm giờ như: Thực hiện lệnh động viên, huy động đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng an ninh trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật; thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa.
- Về nghỉ trong giờ làm việc, Bộ luật lao động năm 2012 bổ sung trường hợp những người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định mà thời giờ làm việc không quá 6 giờ trong một ngày thì thời gian nghỉ giữa giờ ít nhất là 30 phút và tính vào giờ làm việc.
- Bộ luật lao động năm 2012 ngoài việc giữ nguyên các ngày nghỉ lễ, tết mà người lao động được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương khác, bổ sung thêm 01 ngày nghỉ tết âm lịch từ 4 ngày lên 5 ngày, nâng tổng số ngày nghỉ lễ, tết trong một năm là 10 ngày.
- Về các trường hợp nghỉ không hưởng lương, Bộ luật lao động năm 2012 cũng được quy định mở rộng các trường hợp được nghỉ không hưởng lương của người lao động như: khi ông, bà nội ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
6. Kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất
Chương này có những điểm mới sau đây:
- Bổ sung nghĩa vụ của người lao động trong việc đảm bảo bí mật sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động.
- Về thời hạn gửi đăng ký nội dung lao động, Bộ luật lao động năm 2012 quy định trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ban hành nội quy lao động, người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đăng ký nội quy lao động.
- Bổ sung thêm quy định về hồ sơ nội quy lao động để đăng ký tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong đó quy định cụ thể những nội dung mà người sử dụng lao động cần phải chuẩn bị như: văn bản đề nghị đăng ký; biên bản góp ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.v.v..
- Về hiệu lực của bản nội quy lao động, Bộ luật lao động năm 2012 quy định nội quy lao động có hiệu lực sau thời hạn 15 ngày kể từ ngày cơ quan lao động cấp tỉnh nhận được hồ sơ đăng ký.
- Về hình thức xử lý kỷ luật lao động, Bộ luật lao động năm 2012 bỏ hình thức xử lý kỷ luật chuyển đi làm công việc khác có mức lương thấp hơn trong thời gian tối đa không quá 6 tháng.
- Đối với hình thức xử phạt kỷ luật lao động nặng nhất là sa thải, Bộ luật lao động năm 2012 đã bổ sung thêm các hành vi: đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy trong phạm vi nơi làm việc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động hoặc hành vi đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động thì cũng bị sa thải.
- Bộ luật lao động năm 2012 cũng làm rõ về khái niệm tái phạm, theo đó tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật.
- Bộ luật lao động năm 2012 đã bổ sung cụ thể quy định cấm đối với người sử dụng lao động khi xử lý vi phạm kỷ luật lao động như: xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động; dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động…
7. An toàn lao động, Vệ sinh lao động
Chương này có những điểm mới như sau:
- Bổ sung một số chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực an toàn lao động, vệ sinh lao động bằng việc khuyến khích phát triển các dịch vụ an toàn lao động, vệ sinh lao động để đáp ứng ngày càng tốt hơn đến việc chăm sóc sức khoẻ, đảm bảo an toàn cho người lao động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
- Bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc phân công người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp bằng việc quy định người sử dụng lao động phải cử người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sử dụng từ 10 lao động trở lên thì người sử dụng lao động phải cử người có chuyên môn phù hợp để làm cán bộ chuyên trách về công tác an toàn, vệ sinh lao động.
- Bộ luật lao động năm 2012 bổ sung quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động phải chủ động xây dựng phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp và định kỳ tổ chức việc diễn tập để sẵn sàng xử lý tốt các tình huống.
- Bộ luật lao động năm 2012 qui định rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, người học nghề, tập nghề và thử việc.
- Bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động khi xây dựng kế hoạch sản xuất hàng năm của doanh nghiệp phải lập kế hoạch, biện pháp an toàn lao động, vệ sinh lao động và cải thiện điều kiện lao động.
8. Những quy định đối với người lao động nữ
`Chương này có những điểm mới sau đây:
- Quy định cụ thể nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với lao động nữ trong việc đảm bảo thực hiện các nguyên tắc bình đẳng giới không những chỉ trong tuyển dụng, sử dụng mà còn trong đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác.
- Tăng thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, cụ thể thời gian nghỉ trước và sau khi sinh con là 06 tháng, đồng thời bổ sung quy định cho phép lao động nữ có thể nghỉ trước sinh với thời gian không quá 2 tháng.
- Bổ sung thời gian mà lao động nữ có quyền đi làm việc sớm mà điều này không có hại cho sức khỏe của họ;
- Bổ sung quy định bảo đảm việc làm đối với lao động nữ sau khi sinh trong trường hợp không có việc làm cũ, thì họ vẫn được người sử dụng lao động bố trí việc làm khác với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.
- Bổ sung một số trường hợp lao động nữ được hưởng trợ cấp khi nghỉ để chăm sóc con ốm hoặc thực hiện các biện pháp khác như nạo, hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý... nhằm phù hợp với quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
9. Những quy định riêng đối với lao động chưa thành niên và một số lao động khác.
Chương này có những điểm mới cụ thể như sau:
- Bổ sung qui định về lao động là người giúp việc gia đình nhằm điều chỉnh dạng quan hệ việc làm đang tồn tại trong thực tế và có xu hướng phát triển.
- Bổ sung nguyên tắc chung không được sử dụng người chưa thành niên sản xuất và kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần và các chất gây nghiện khác.
- Chia lao động chưa thành niên thành 4 nhóm tuổi nhằm đưa ra các quy định về điều kiện lao động phù hợp, trong trường hợp đối tượng này tham gia vào quan hệ lao động.
- Quy định cụ thể các công việc và nơi làm việc cấm sử dụng lao động dưới 15 tuổi như công việc: mang, vác các vật nặng vượt quá thể trạng; sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hóa chất, khí gas, chất nổ; bảo trì, bảo dưỡng thiết bị máy móc; phá dỡ các công trình xây dựng…
- Riêng đối với quy định lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, Bộ luật lao động năm 2012 bổ sung thêm hai điều kiện cho nhóm đối tượng này, cụ thể: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có trình độ chuyên môn, tay nghề và sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc.
- Bộ luật lao động năm 2012 cũng sửa đổi thời hạn của giấy phép lao động tối đa là 2 năm.
-Về lao động giúp việc gia đình,Bộ luật lao động năm 2012 có mục riêng với 4 Điều quy định đối với loại hình lao động này, trong đó xác định rõ thế nào là lao động giúp việc gia đình và các các công việc mà người lao động giúp việc gia đình thực hiện, các công việc cũng là giúp việc gia đình nhưng theo hình thức khoán việc thì Bộ luật lao động năm 2012 sẽ không điều chỉnh.
 10. Bảo hiểm xã hội
Chương này chỉ quy định 02 Điều về bảo hiểm xã hội như tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tuổi nghỉ hưu, trong đó có một số điểm chính như:
- Về tuổi nghỉ hưu của người lao động, Bộ luật lao động năm 2012 cơ bản giữ quy định hiện nay: nam đủ 60 tuổi và nữ đủ 55 tuổi.
- Riêng đối với lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm.
11. Công đoàn
Chương này có những điểm mới như sau:
- Bỏ thời hạn (6 tháng) ở những doanh nghiệp đang hoạt động chưa có tổ chức công đoàn phải thành lập tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp.
- Bỏ quy định trong thời gian chưa thành lập được tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp thì chỉ định Ban chấp hành công đoàn lâm thời.
- Xác định rõ chủ thể đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động ở những nơi chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở là công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
- Quy định thêm các hành vi bị cấm đối với người sử dụng lao động liên quan đến thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
- Quy định cụ thể hơn quyền của cán bộ công đoàn cơ sở như việc: có quyền gặp gỡ người sử dụng lao động để đối thoại, trao đổi, thương lượng về những vấn đề lao động và sử dụng lao động; đến với nơi làm việc để gặp gỡ người lao động trong phạm vi, trách nhiệm của mình đại diện…
12. Giải quyết tranh chấp lao động
Chương này có những điểm sửa đổi sau đây:
- Mở rộng cơ chế giải quyết tranh chấp lao động và đình công đến tất cả các đơn vị có sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật lao động;
- Bỏ quy định về Hội đồng hoà giải cơ sở.
- Quy định rõ tranh chấp lao động tập thể bao gồm tranh chấp về quyền và tranh chấp về lợi ích.
- Không cho phép đình công đối với các tranh chấp lao động tập thể về quyền.
Trong trường hợp này, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện phải tiến hành giải quyết tranh chấp lao động, nếu các bên không đồng ý với quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không giải quyết, thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Đối với tranh chấp tập thể về lợi ích sẽ do Hội đồng trọng tài giải quyết.
- Bổ sung trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc xác định loại tranh chấp lao động tập thể là về quyền hoặc lợi ích trong trường nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp tập thể và trách nhiệm hướng dẫn các bên đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
- Bổ sung quyền đóng cửa tạm thời doanh nghiệp của người sử dụng lao động trong thời gian đình công .
- Bổ sung thẩm quyền hoãn và ngừng đình công cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh khi xét thấy cuộc đình công có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân, lợi ích công cộng và giao cho cơ quan nhà nước, tổ chức có thẩm quyền giải quyết.
13. Hiệu lực thi hành:
1. Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 05 năm 2013.
Bộ luật lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động số 35/2002/QH10, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động số 74/2006/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động số 84/2007/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực.
2. Kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực thi hành:
a) Các hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, những thoả thuận hợp pháp khác đã giao kết và những thoả thuận có lợi hơn cho người lao động so với quy định của Bộ luật này được tiếp tục thực hiện; những thoả thuận không phù hợp với quy định của Bộ luật phải được sửa đổi, bổ sung;
b) Quy định về thời gian hưởng chế độ khi sinh con tại Luật bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 được thực hiện theo quy định của Bộ luật này.
Lao động nữ nghỉ sinh con trước ngày Bộ luật này có hiệu lực, mà đến ngày 01 tháng 5 năm 2013 vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh con theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 thì thời gian hưởng chế độ khi sinh con được thực hiện theo quy định của Bộ luật này.
3. Chế độ lao động đối với cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân, tổ chức xã hội khác và xã viên hợp tác xã do các văn bản pháp luật khác quy định nhưng tuỳ từng đối tượng mà được áp dụng một số quy định trong Bộ luật này. Chính phủ ban hành chính sách lương cụ thể để áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân.
4. Người sử dụng lao động sử dụng dưới 10 người lao động phải thực hiện những quy định của Bộ luật này, nhưng được giảm, miễn một số tiêu chuẩn và thủ tục theo quy định của Chính phủ.
Nguồn: www.danang.gov.vn

Leave a Reply

Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

Widget by : All

Tìm kiếm Blog này

Translate

Popular Post

NGƯỜI YÊU THÍCH

Được tạo bởi Blogger.

FACEBOOK CÁ NHÂN

- Copyright © DỊCH VỤ HỖ TRỢ PHÁP LUẬT -Metrominimalist- Powered by Blogger - Designed by Chu Tùng Anh | Blogger CHU TÙNG ANH -