Posted by : Unknown Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Một chương trình chung là một tập hợp các hoạt động nằm trong một kế hoạch hành động và ngân sách chung, bao gồm sự tham gia của ít nhất hai tổ chức LHQ và các đối tác cấp trung ương hoặc/và cấp tỉnh. Kế hoạch hành động và ngân sách là những thành phần tạo nên văn bản của chương trình chung, trong đó nêu rõ chi tiết cả vai trò và trách nhiệm của các đối tác trong quá trình điều hành và phối hợp để thực hiện các hoạt động. Văn bản của chương trình chung được tất cả các bên tham gia cùng ký cam kết thực hiện.
Các chương trình chung là thành tố cơ bản phản ánh phương thức LHQ tác nghiệp ở cấp quốc gia. Khái niệm về chương trình chung cần được xem xét và thực hiện dựa trên nhu cầu thực tế của từng quốc gia và cần được thực hiện sao cho vừa đảm bảo hỗ trợ tốt nhất việc nâng cao năng lực quốc gia, vừa đảm bảo tính hiệu quả và hiệu năng.
Những chương trình chung hiện nay ở Việt Nam
Cho đến tháng 10 năm 2010, sáu chương trình chung đang được thực hiện trong khuôn khổ Một Kế hoạch chung tại Việt Nam:
  1. Kon Tum: Giải quyết tình trạng chênh lệch ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi (2007-2010)
  2. Chương trình chung của Chính phủ và LHQ về Phòng chống cúm gà độc lực cao (2005-2010)
  3. Chương trình chung về Bình đẳng giới (2009-2011)
  4. Chương trình chung về Chiến lược dinh dưỡng tổng hợp và an ninh lương thực cho trẻ em và các nhóm dễ bị tổn thương (2010-2012)
  5. Chương trình chung về sản xuất và thương mại xanh nhằm tăng thu nhập và cơ hội việc làm cho dân nghèo nông thôn (2010-2012)
  6. Chương trình chung của LHQ về Phòng chống HIV
jp_banner

1. Kon Tum: Giải quyết tình trạng chênh lệch ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi (2007-2010)
Từ lâu nay, các Tổ chức LHQ tại Việt Nam đã và đang tích cực tham gia vào quá trình phát triển của Kon Tum, một trong những tỉnh nghèo nhất, và chương trình chung này đưa ra phương thức hỗ trợ mang tính chiến lược nhiều hơn và được phối hợp chặt chẽ hơn. Mục tiêu chính của chương trình là nâng cao năng lực cho cán bộ có thẩm quyền ở các cấp địa phương trong tỉnh để họ có thể làm tốt hơn công tác xây dựng kế hoạch, lập ngân sách và quản lý các nguồn lực công. Chương trình còn nhằm trình diễn các cách tiếp cận và chiến lược giải quyết vấn đề chênh lệch trong tỉnh về khả năng tiếp cận với các dịch vụ bảo trợ và các dịch vụ xã hội có chất lượng. Chương trình tập trung hỗ trợ một địa phương cụ thể của tỉnh về các lĩnh vực sức khỏe bà mẹ và sức khỏe sinh sản, sức khỏe và dinh dưỡng của trẻ em, giáo dục cơ sở, các dịch vụ cấp nước, vệ sinh môi trường và bảo trợ cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và bị thiệt thòi (đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em, thanh thiếu niên và phụ nữ). Chương trình này trực tiếp hỗ trợ cho tỉnh còn Ủy ban Nhân dân tỉnh thì chỉ đạo chung việc thực hiện chương trình.

2. Chương trình chung của Chính phủ và LHQ về Phòng chống cúm gà độc lực cao (2005-2010)
Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch cúm gia cầm độc lực cao A (H5N1). Chương trình chung này được xây dựng để hỗ trợ các hoạt động ứng phó tổng hợp, đa ngành nhằm kiểm soát bệnh cúm ở gia súc gia cầm và ngăn chặn nguy cơ xảy ra một đại dịch cúm ở người. Kể từ khi bắt đầu triển khai đến nay, chương trình này đã trở thành kênh chính để nhanh chóng huy động sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế cho các hoạt động ứng phó quốc gia với tổng kinh phí huy động được lên tới hơn 23 triệu USD. Chương trình đã cung cấp cho các cơ quan của Việt Nam ý kiến tư vấn chuyên môn và chuyên gia kỹ thuật quốc tế cũng như kinh phí để hỗ trợ các hoạt động chính như tiêm phòng đại trà cho đàn gia cầm, truyền thông và điều phối chung các hoạt động ứng phó quốc gia. Cho đến nay, thực tế đã chứng minh chương trình chung là con đường chuyển giao rất nhanh chóng và hiệu quả các khoản tài trợ của quốc tế cũng như cung cấp chuyên gia quốc tế, đặc biệt trong giai đoạn Việt Nam đang phải đối mặt với số lượng ổ dịch cúm ở gia cầm và số trường hợp cúm H5N1 ở người lớn nhất trên thế giới.
woman_leader
3. Chương trình chung về Bình đẳng giới (2009-2011) 
Chương trình chung đầy ham vọng với kinh phí 4,5 triệu USD, hiện đã bước sang năm thứ hai, góp phần thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 3 (MDG 3) về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Hoạt động xuyên suốt các lĩnh vực y tế, giáo dục và kinh tế với đối tượng hỗ trợ đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái dễ bị tổn thương, chương trình chung này góp phần thực hiện Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình của Việt Nam thông qua việc nâng cao năng lực cho các đối tượng có trách nhiệm thực thi và giám sát hai bộ luật này, thúc đẩy các mối quan hệ đối tác và sự phối hợp các hoạt động về bình đẳng giới trong và ngoài các cơ quan chính phủ cũng như tăng cường công tác thu thập dữ liệu phục vụ cho việc theo dõi kết quả thực hiện bình đẳng giới. Chương trình chung này còn hỗ trợ các hoạt động thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức về hai bộ luật nói trên.

4. Chương trình chung về sản xuất và thương mại xanh nhằm tăng thu nhập và cơ hội việc làm cho dân nghèo nông thôn(2010-2012) 
Chương trình chung này nhằm tăng thu nhập và cơ hội việc làm cho những người trồng/thu gom nguyên liệu phục vụ ngành thủ công mỹ nghệ cũng như cho các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ ở cơ sở. Đối tượng hưởng lợi của Chương trình là 4.500 hộ gia đình nghèo làm nghề nông và nghề thủ công mỹ nghệ ở bốn tỉnh phía Bắc: Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình và Phú Thọ. Các tỉnh này được lựa chọn vì có những đặc điểm sau: (i) tỷ lệ nghèo cao, đặc biệt là ở các dân tộc thiểu số; (ii) các nguồn cung cấp nguyên liệu và các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tập trung tại địa phương; và (iii) có khả năng kết hợp các hoạt động phát triển trước đây và hiện nay. Trong bốn tỉnh được hỗ trợ, chương trình sẽ tập trung vào năm chuỗi sản phẩm sau đây: (i) mây/tre; (ii) tơ tằm và dệt lụa; (iii) cói; (iv) sơn mài; và (v) giấy thủ công. Phương châm của chương trình là phát triển các chuỗi sản phẩm “xanh”, được lồng ghép tốt hơn, phục vụ cho lợi ích của người nghèo và đảm bảo bền vững về môi trường, cho phép người nghèo làm nghề trồng/thu gom nguyên liệu và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cải thiện sản phẩm và kết nối với các thị trường mang lại lợi nhuận nhiều hơn.

5. Chương trình chung về Chiến lược dinh dưỡng tổng hợp và an ninh lương thực cho trẻ em và các nhóm dễ bị tổn thương(2010-2012) 
Thông qua chương trình này, LHQ hỗ trợ Chính phủ giải quyết vấn đề tỷ lệ suy dinh dưỡng tiếp tục gia tăng trong số những đối tượng dễ bị tổn thương nhất với trọng tâm là giảm tỷ lệ còi cọc và phòng ngừa tình trạng suy dinh dưỡng trong tương lai. Chương trình sẽ thực hiện mục tiêu này thông qua việc cải thiện công tác theo dõi tình hình an ninh lương thực, dinh dưỡng và sức khỏe của người dân; nâng cao năng lực cung cấp các dịch vụ y tế và dinh dưỡng thiết yếu, trong đó có việc chăm sóc phù hợp cho những người ốm đau và suy dinh dưỡng, cải thiện chế độ ăn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khuyến khích tập quán nuôi con bằng sữa mẹ và đảm bảo cung cấp đủ các yếu tố như sắt, vitamin A và iốt, kể cả các chất bổ sung và muối iốt; cũng như tăng cường an ninh lương thực bằng cách tăng gia sản xuất lương thực trên đất của hộ gia đình đi đôi với việc tăng cường sử dụng các loại thực phẩm an toàn và có chất lượng. Chương trình nhằm hỗ trợ một số tỉnh được lựa chọn có mức độ còi cọc cao (cả tỷ lệ và số người), đó là Cao Bằng, Điện Biên, Đắc Lắk, Kon Tum, Ninh Thuận và An Giang.
6. Chương trình chung của LHQ về Phòng chống HIV
Chương trình chung của LHQ về Phòng chống HIV khác với các chương trình nêu trên ở chỗ nó bắt nguồn từ một cam kết toàn cầu nhằm tập trung các nỗ lực và nguồn lực của các Tổ chức LHQ trong lĩnh vực ứng phó với AIDS để giúp Việt Nam đạt được mục tiêu đảm bảo khả năng tiếp cận đại trà với các dịch vụ phòng ngừa, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ liên quan tới HIV. Là một vấn đề đa ngành, việc phòng chống HIV đòi hỏi phải có sự ứng phó đa diện, và thông qua chương trình chung này, các Tổ chức LHQ giờ đây hoạt động hiệu quả hơn trên cơ sở phối hợp với nhau và với Chính phủ cũng như phát huy lợi thế so sánh tập thể của các tổ chức này. Chương trình chung của LHQ tại Việt Nam đưa ra một chương trình hành động và một chiến lược nhất quán để giúp Việt Nam giải quyết các thách thức và tranh thủ các cơ hội trong việc ứng phó của quốc gia với HIV. Thông qua chương trình chung, được xây dựng và thực hiện với sự hợp tác của các Bộ, ngành, xã hội dân sự và các đối tác quốc gia và quốc tế khác, Nhóm Điều phối chương trình của LHQ về Phòng chống HIV đưa ra quyết định về các vấn đề kỹ thuật; thực hiện cơ chế theo dõi hoạt động; thường xuyên liên hệ với các Bộ, ngành có liên quan và các nhà tài trợ song phương; và đưa việc báo cáo tiến độ của nhóm cùng với việc thực hiện chương trình vào trong khuôn khổ của Một LHQ.

Leave a Reply

Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

Widget by : All

Tìm kiếm Blog này

Translate

Popular Post

NGƯỜI YÊU THÍCH

Được tạo bởi Blogger.

FACEBOOK CÁ NHÂN

- Copyright © DỊCH VỤ HỖ TRỢ PHÁP LUẬT -Metrominimalist- Powered by Blogger - Designed by Chu Tùng Anh | Blogger CHU TÙNG ANH -