Posted by : Unknown Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

03-09-2014
PGS, TS Nguyễn Thế Thắng
1-    Một trong 5 bảo vật quốc gia Việt Nam
LỜI KÊU GỌI ĐỒNG BÀO VÀ CHIẾN SĨ CẢ NƯỚC là 1 trong 5 di sản tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ ngày 1-10-2012 được Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận là bảo vật quốc gia*. Bản thảo gốc của Lời kêu gọi này hiện lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc Lời kêu gọi với đồng bào, chiến sĩ cả nước và nhân dân thế giới trên Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam  ngày 17-7-2014. Đây là  thời điểm thử thách gay go quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Và, chính trong Lời kêu gọi đó đã bật phát lên lời tổng kết thành chân lý lớn của dân tộc và thời đại mới: KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP, TỰ DO!
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, một lần nữa, chân lý lớn của dân tộc và thời đại- Không có gì quý hơn độc lập tự do, lại trở thành động lực, sức mạnh, niềm tin và lẽ sống thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân ta vững bước vượt qua mọi khó khăn thử thách.
2-    Hoàn cảnh ra đời và nội dung cơ bản Lời kêu gọi
Cách đây đúng 48 năm, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân  ta đang đứng trước những đe dọa nguy hiểm nhất.
Từ đầu năm 1965, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ đã bị quân và dân ta đánh bại. Tuy vậy, Mỹ vẫn chưa chịu từ bỏ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Chúng chuyển sang thực hiện chiến lược “ Chiến tranh cục bộ”, tăng cường quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng sức mạnh không quân và hải quân Mỹ, hòng buộc phía Việt Nam phải ngồi vào đàm phán theo điều kiện ép buộc của Mỹ.
Từ mùa hè năm 1965, Quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ: Nam triều Tiên, Úc, Niu Di lân,v,v,… ồ ạt đổ bộ vào miền Nam Việt Nam. Đến tháng 6 năm 1966, đội quân đó đã lên đến 30 vạn, trong đó có nhiều sư đoàn, lữ đoàn tinh nhuệ của Mỹ trở thành lực lượng chiến lược chủ yếu, trực tiếp tiến hành chiến tranh.
Trên miền Bắc, cuộc chiến tranh phá hoại của không quân và hải quân Mỹ từng bước được mở rộng về quy mô và cường độ với tuyên bố huênh hoang: Đưa miền Bắc quay trở lại thời kỳ đồ đá. Trên trường quốc tế, Mỹ triệt để lợi dụng mâu thuẫn Xô-Trung và mở “Chiến dịch hòa bình” hòng cô lập Việt Nam.
Trong nước, chính quyền Mỹ thi hành các biện pháp bưng bít thông tin, không gọi lính trù bị, không tăng thuế, với hy vọng duy trì được sự ổn định nội bộ, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của Quốc hội và nhân Mỹ với chiến tranh Việt Nam.
Việc Mỹ đổ quân viễn chinh vào miền Nam và leo thang đánh phá ác liệt miền Bắc đặt ra cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta câu hỏi lớn:
- Việt Nam có sợ Mỹ không?
- Việt Nam có đánh được Mỹ không?
- Đánh Mỹ và thắng Mỹ bằng cách nào?
- Sự nghiệp xây dựng miền Bắc vẫn tiếp tục hay dừng lại?
Trước những câu hỏi lớn đó, Đảng, Nhà nước ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chuyển toàn bộ hoạt động của miền Bắc từ thời bình sang thời chiến, tiếp tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện có chiến tranh, quyết tâm đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, phát huy vai trò hậu phương lớn với tiền tuyến lớn miền Nam, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, và làm tròn nghĩa vụ quốc tế với cách mạng hai nước Lào và Cămpuchia. Để tinh thần đó thấu suốt đến toàn dân, toàn quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Người tuyên cáo trước nhân dân Việt Nam và thế giới rõ ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam; Nêu rõ bài học và chân lý lớn của dân tộc ta rút ra từ lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước và đến nay có thêm hơi thở  cuộc sống mới, thời đại mới: KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO!

Qua Đài tiếng nói Việt Nam, báo chí, truyền đơn, đồng bào và chiến sĩ cả nước ta lắng nghe, thấm thía, tự hào, tin tưởng tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
“Giônxơn và bè lũ phải biết rằng: Chúng có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay, tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng. Chúng càng hung hăng thì tội của chúng càng thêm nặng. Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”1.
Nắm vững chân lý không có gì quý hơn độc lập tự do, đứng vững trên lập trường chính nghĩa, trong Lời kêu gọi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch trần những âm mưu, thủ đoạn che đậy chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trước nhân dân ta và nhân dân thế giới. Chỉ ra phương hướng, giải pháp của công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với mục tiêu: Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào và con đường đi “đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”2.
Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, trải qua 21 năm chiến đấu, đến 1975, nhân dân ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới quy mô lớn, dài ngày nhất, ác liệt và dã man nhất từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Âm mưu của đế quốc Mỹ biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và chia cắt lâu dài đất nước ta đã bị đập tan.
Thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước kết thúc quá trình 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa đế quốc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng dân tộc và thống nhất nước nhà, mở ra thời kỳ mới cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là kết quả thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là một tổng kết lý luận và thực tiễn thành chân lý, một chân lý bất hủ có ý nghĩa lý luận và giá trị thời đại sâu sắc. Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, không chỉ là tư tưởng riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là tư tưởng, lẽ sống của cả dân tộc Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đại biểu cho toàn thể dân tộc Việt Nam đúc kết, khái quát và khẳng định. Giá trị tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” không chỉ được nhân dân ta tin tưởng, thấm nhuần, đề cao, biến thành sức mạnh cách mạng mà tư tưởng đó cũng được công nhận, đánh giá cao ở nhiều nơi trên thế giới.
3- Một số giá trị cơ bản của tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”.
Một là: Độc lập, tự do cho quốc gia dân tộc và cho mỗi con người là giá trị to lớn, thiêng liêng, cao qúy nhất, quyết định vận mệnh và con đường  phát triển của dân tộc và mỗi con người.
Thấm thía nỗi đau khổ của người dân mất nước, mất tự do, từ Nhật ký trong tù, năm 1942, Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Trên đời nghìn vạn điều cay đắng/ Cay đắng chi bằng mất tự do/ Mỗi việc mỗi lời không tự chủ/ Để cho người dắt tựa trâu bò!”3. Từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đi ra thế giới,  tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại,  khát vọng lớn nhất của Hồ Chí Minh và cũng là khát vọng lớn nhất của nhân dân ta là nước nhà được độc lập, tự do, mỗi người dân được sống độc lập, tự do. Vì độc lập, tự do mà nhân dân ta quyết vùng lên làm cách mạng  lật đổ ách thống trị thối nát của đế quốc thực dân và  phong kiến tay sai. Cho nên sau khi lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, mở đầu kiệt tác Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ thừa nhận một chân lý bất hủ trong Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ về quyền con người được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc đã đi đến nêu ra một chân lý mới của thời đại hiện nay là: ”Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”4. Có độc lập, tự do thì sẽ có tất cả. Và theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong thời đại ngày nay, mỗi dân tộc, mỗi con người đều có quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, bình đẳng và hạnh phúc. Độc lập dân tộc gắn liền với sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Độc lập dân tộc gắn liền với quyền tự quyết dân tộc là quyển được lựa chọn con đường phát triển không phụ thuộc vào bên ngoài. Tự do trong tư tưởng Hồ Chí Minh chính là tự do theo lý tưởng xây dựng một xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa như Các Mác nêu ra. Một xã hội ”trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người.”5  Độc lập là tiền đề của tự do. Tự do là mục tiêu và cũng là kết quả của độc lập. Đó là những giá trị cao quý, thiêng liêng nhất. Không một thế lực nào dù hung hăng đến mấy có cơ sở pháp lý, đạo lý để can thiệp, xâm phạm đến những quyền quý giá ấy của dân tộc và của con người. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi to lớn đầu tiên của tư tưởng Hồ Chí Minh và mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc ta. Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Kết thúc Tuyên ngôn độc lập một cách hào hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ:
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”6.
Hai là: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” khẳng định ý chí của dân tộc và con người Việt Nam sẵn sàng, cương quyết đứng lên chiến đấu đến cùng để bảo vệ chủ quyền dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Độc lập, tự do là quyền thiêng liêng nhất. Khi độc lập, tự do bị xâm phạm thì cả dân tộc phải kiên quyết đứng lên chiến đấu đến cùng để giữ vững và bảo vệ nền độc lập và tự do ấy. Một vấn đề có tính quy luật là chúng ta thường phải chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược của những kẻ thù lớn mạnh hơn ta nhiều lần. Nhưng với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, thì người cách mạng cũng như nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không sợ kẻ địch nào dù cho chúng hung tợn đến mấy”7.
Nêu cao thiện chí hòa bình và ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào toàn quốc:
 "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!....
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!
Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.
Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta"8.
Để bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc, nhân dân Việt Nam đã chiến đấu kiên cường, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng với tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh"; với ý chí quyết chiến quyết thắng, nhân dân Việt Nam "quyết không sợ". Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta phải chiến đấu quét sạch nó đi. Ý chí "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" đã thực sự là động lực tinh thần to lớn thôi thúc lớp lớp các thế hệ người Việt Nam lên đường chiến đấu chống kẻ thù của độc lập, tự do, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu", làm nên Đại thắng mùa Xuân vĩ đại năm 1975, thu giang sơn về một mối, giành hoàn toàn độc lập, tự do cho dân tộc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Ba là:”Không có gì quý hơn độc lập, tự do” khẳng định ý chí tự lập, tự cường, tự giải phóng mình của mỗi dân tộc và mỗi con người Việt Nam trong thời đại ngày nay.
Tinh thần không có gì quý hơn độc lập, tự do nhấn mạnh trong lãnh đạo cách mạng nói chung, trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đều phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự giúp đỡ của các nước bạn và các nguồn ngoại lực đồng thời phát huy nội lực. Trong mối quan hệ giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, giữa nội lực của mỗi con người với các nguồn ngoại lực, bao giờ Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng coi trọng việc phát huy sức mạnh của dân tộc, sức mạnh của mỗi người dân trên tinh thần chủ động sáng tạo, dựa vào sức mình là chính. “Muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”9. Mỗi người phải tự cứu lấy mình thoát khỏi sự cùng khổ, cũng như mỗi dân tộc phải tự cứu lấy mình, dùng sức ta mà tự giải phóng cho ta khỏi mọi ách áp bức và bóc lột của đế quốc và phong kiến. Không trông chờ, ỷ lại, mới có được độc lập, tự do và hạnh phúc. Người khẳng định rõ: “ Mỗi một người dân phải hiểu: có tự lập mới độc lập, có tự cường mới tự do”10. Muốn thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu tiến tới một xã hội dân giàu nước mạnh thì cũng phải phát động quốc dân đứng lên phấn đấu rửa  nỗi nhục nghèo hèn, mới có thể tự lập, tự cường sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Như Người phân tích: ”Cố nhiên sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”11.
Độc lập, tự do là cái quý nhất. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương trong xây dựng nền văn hóa mới của dân tộc ta điều chú trọng đầu tiên là xây dựng tâm lý, tinh thần độc lập, tự cường. Trong công tác giáo dục, cốt nhất là phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ. Thanh niên càng cần phải có chí tự động, tự cường, tự lập. Ngược lại, nếu “Còn có  tính hay sợ - sợ Pháp, rồi sợ Nhật, rồi sợ Mỹ - thì không xứng đáng là một dân tộc thống nhất và độc lập. Còn có tính ỷ lại, mong nước này giúp nước kia giúp, cũng không xứng đáng là một dân tộc thống nhất và độc lập”12. Chúng ta phải học tinh thần tự lập, tự cường, tinh thần hăng hái thi đua sản xuất và tiết kiệm của nhân dân các nước bạn. Đã là người chủ Nhà nước thì phải chăm lo việc nước như chăm lo việc nhà. Mỗi người lao động cần có tinh thần dám nghĩ dám làm, vươn lên hàng đầu, thành người lao động tiên tiến. Công nhân, nông dân ta và người lao động trí óc cần tin rằng chúng ta có đầy đủ sức mạnh, can đảm và thông minh để xây dựng cuộc đời mới của mình. Chỉ cần chúng ta có đầy đủ ý thức làm chủ, tinh thần tập thể, kỷ luật và ra sức học tập, nâng cao trình độ văn hóa, kỹ thuật, có tinh thần sáng tạo, tìm tòi cái mới, học tập cái mới, ủng hộ cái mới, thực hiện cái mới thì việc gì chúng ta cũng làm được.
Bốn là: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” khẳng định trách nhiệm của Đảng, Nhà nước phải quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần, quyền tự do, dân chủ và quyền mưu cầu hạnh phúc của nhân dân
Gắn liền với vấn đề độc lập dân tộc là vấn đề quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”13. Phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Uỷ ban nghiên cứu kiến quốc ngày 10-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa lại nhấn mạnh đến quyền được hưởng tự do, hạnh phúc cụ thể, thiết thực của người dân. Chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Làm gì để người dân có tự do, hạnh phúc thực sự? Một mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao tính chủ động “tự cứu mình”, “tự giúp mình”, “tự giải phóng mình”, ý chí tự lập, tự cường, dám nghĩ, dám làm của mỗi con người. Mặt khác Người nêu cao tinh thần trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc lãnh đạo cách mạng, trách nhiệm trong việc làm người công bộc phục vụ nhân dân,  đưa nhân dân đến bến bờ tự do, hạnh phúc. Phải làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm. Người nào cũng biết chữ và dân trí ngày càng cao. Người nào cũng biết đoàn kết và yêu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ:
“ Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi.  Vì vậy cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân14.
Nói về trách nhiệm lãnh đạo của Đảng và phong cách làm việc của cán bộ đối với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Tất cả cán bộ đều phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân; đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân; đều phải theo đúng chính sách của Đảng và đi đúng đường lối quần chúng. Do đó mà lãnh đạo phải dân chủ, thiết thực, cụ thể và toàn diện. Phải tránh cách lãnh đạo đại khái, phiến diện, chung chung. Cán bộ phải tuyệt đối tránh bệnh quan liêu, mệnh lệnh, phải hết sức chống bệnh hình thức, chống lãng phí, tham ô. Cho nên để nhân dân được hưởng quyền tự do, dân chủ thực sự, thì nhất thiết phải chống 3 thứ giặc nội xâm là quan liêu, tham ô, lãng phí. Phải chống giặc nội xâm với tinh thần chống giặc ngoại xâm thì người dân mới được hưởng quyền độc lập, tự do thực sự.
4- Ý nghĩa thời sự của tư tưởng Hồ Chí Minh về “không có gì quý hơn độc lập, tự do”
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Tư tưởng Hồ Chí Minh "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" tiếp tục làm sáng tỏ thêm trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta, vừa coi phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân là nhiệm vụ trung tâm, vừa phải tăng cường quốc phòng, an ninh. Phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời của Tổ quốc. Nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần độc lập, tự chủ, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn vượt qua mọi thách thức, khắ c phục mọi khó khăn, tận dụng cơ hội, tranh thủ thời cơ đưa đất nước tiếp tục tiến lên.
Trong các mối quan hệ quốc tế phức tạp, đa dạng, nhiều chiều như hiện nay, hơn lúc nào hết, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam càng phải nêu cao ý chí "Không có gì quý hơn độc lập, tự do",  thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế; là bạn,  đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm  trong cộng đồng quốc tế. Tiếp tục tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Đảng ta khẳng định rõ: ” Nhiệm vụ của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hoà bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”15.
Trước tình hình căng thẳng do Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông hiện nay, theo phương pháp tư tưởng Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hoà bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và những thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam - Trung Quốc; đồng thời giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước. /.
CHÚ THÍCH:


* 4 di sản tinh thần nữa của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công nhận là bảo vật quốc gia gồm có: Cuốn “Đường kách mệnh”, nguyên bản hiện lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử quốc gia; bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, bút tích lưu tại Bảo tàng lịch sử quốc gia; Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn bản gốc lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.


1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội, 2011, tr 131.
2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 15, S.đ.d, tr 131.
3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội, 2011, tr366.
4 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội, 2011, tr 1.
5 Mác Ăng ghen: Toàn tập, Tập 4, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr 596.
6 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 4, S.đ.d, tr3
7 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội, 2011, tr 50
8 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 4, S.đ.d, tr 534.
9 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội, 2011, tr 320.
10 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội, 2011, tr 553.
11 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 7, S.đ.d, tr 445.
12 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội, 2011, tr 111.
13 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 4, S.đ.d, tr 64.
14 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội, 2011, tr 518.
15 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toan quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội, 2011, tr 236.

Leave a Reply

Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

Widget by : All

Tìm kiếm Blog này

Translate

Popular Post

NGƯỜI YÊU THÍCH

Được tạo bởi Blogger.

FACEBOOK CÁ NHÂN

- Copyright © DỊCH VỤ HỖ TRỢ PHÁP LUẬT -Metrominimalist- Powered by Blogger - Designed by Chu Tùng Anh | Blogger CHU TÙNG ANH -