Posted by : Unknown Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

Trong hoạt động thương mại, tôn trọng quyền tự quyết định về tài sản, quyền lợi kinh tế là một trong những quyền quan trọng hàng đầu đối với DN. LS Phạm Hồng Hải – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN khi trao đổi với DĐDN cho rằng, Luật Trọng tài thương mại đã khắc phục được khá triệt để những hạn chế của hoạt động xét xử tranh chấp thương mại trước đây.

- Theo ông, vì sao nhiều chuyên gia trong ngành pháp lý cho rằng, pháp luật về giải quyết tranh chấp thương mại trước khi luật có hiệu lực còn hạn chế ?
Thực tế số lượng các vụ xét xử các vụ tranh chấp thương mại của toàn ngành tòa án những năm qua là rất hạn chế. Các trung tâm trọng tài thương mại còn “ế ẩm” hơn nhiều. Trong khi, nhu cầu giải quyết tranh chấp thương mại của doanh nghiệp thì lớn gấp nhiều lần. Điều này cho thấy pháp luật về giải quyết tranh chấp thương mại còn hổng ở nhiều chỗ.
Để phải đưa một vụ tranh chấp ra tòa án là chuyện cực chẳng đã đối với tất cả các DN. Điều DN ngại nhất là mất uy tín với thị trường, với bạn hàng. Bởi vì, khi đã đưa ra tòa án là mọi việc đều được công khai. Chưa biết đúng sai thế nào, bạn hàng thấy DN có tranh chấp phải ra tòa án là đã ngại ngần ít nhiều khi quyết định hợp tác.
Bên cạnh đó, thủ tục để giải quyết một vụ tranh chấp thương mại tại tòa án thời gian qua cũng khiến nhiều DN phải nản lòng. “Tòa kinh tế thì chỉ sang tòa dân sự, tòa dân sự thì chỉ sang tòa hành chính”. DN phải chạy lòng vòng là chuyện không hiếm.
- Như vậy, giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài kinh tế có thể được xem như một “cứu cánh”, thưa ông ?
Hình thức giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài thương mại thời gian qua ít được DN chú ý. Luật Trọng tài thương mại sắp có hiệu lực. Quyền năng của các Hội đồng trọng tài được đề cao. Quyền tự do quyết định thủ tục xét xử, lựa chọn hình thức trọng tài, lựa chọn trọng tài viên… đã được trao cho DN. Như vậy, quyền tự quyết định về tài sản và quyền lợi kinh tế của DN, trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được đảm bảo.
Điều đáng lưu ý, với pháp luật giải quyết tranh chấp trọng tài cũ, quyết định của các trung tâm trọng tài đôi khi bị tòa án tuyên vô hiệu chỉ vì những lỗi rất tiểu tiết. Ví dụ một số quyết định của trọng tài về cơ bản đã có căn cứ pháp lý vững chắc. Tuy nhiên, quyết định đó lại bị lỗi chính tả hay ngữ pháp… vẫn có thể bị tòa án tuyên vô hiệu. Bất cập này đã được luật mới khắc phục. Tôn trọng quyết định trọng tài cũng chính là tôn trọng quyền tự quyết của các bên.
Nguyên tắc bí mật trong xét xử trọng tài cũng là thế mạnh của hình thức này. Không chỉ là vấn đề giữ uy tín với bạn hàng, những bí mật trong thương mại, kinh doanh cũng đảm bảo. Giữ bí mật cho vụ án cũng giúp cho việc xét xử không bị những sức ép không đáng có. Ví dụ nhiều người biết cơ quan giải quyết tranh chấp hay người thụ lý vụ việc có nguy cơ bị tác động từ bên ngoài khiến việc giải quyết thiếu khách quan.
- Ông đánh giá thế nào về vai trò của luật sư trong Luật Trọng tài thương mại ?
Theo quy định, luật sư đại diện cho DN hay bảo vệ quyền lợi cho DN tại tòa án trong các vụ giải quyết tranh chấp thương mại “có quyền được cung cấp hồ sơ”. Tuy nhiên, nếu Tòa án gây khó khăn hoặc không cung cấp đầy đủ, kịp thời hồ sơ thì luật sư cũng khó hoàn thành nhiệm vụ. Trong khi đó, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thì Hội đồng trọng tài phải cung cấp và thông báo ngay các hồ sơ, thông tin vụ việc cho các bên và luật sư. Đây là một lợi thế rất đáng kể trong các vụ tranh chấp. Bên cạnh đó, phạm vi giải quyết các loại tranh chấp cũng được mở rộng hơn rất nhiều trong luật mới. Do đó, luật sư cũng có cơ hội tham gia nhiều hơn vào các vụ tranh chấp thương mại.
Tuy nhiên, tôi cũng phải lưu ý các DN, luật sư ở VN được tham gia cả tư vấn lẫn tranh tụng. Trong khi, nhiều nước phát triển, luật sư tư vấn không được tham gia tranh tụng. Điều này có hai mặt của vấn đề. Nếu luật sư tư vấn được tham gia tranh tụng như hiện nay sẽ giúp luật sư nắm rõ vấn đề. Nhưng ngược lại, nếu những tư vấn của luật sư là sai thì thường họ sẽ cố gắng thu thập các chứng cứ để bảo vệ cho cái sai của họ khi tranh tụng.
- Ông còn băn khoăn gì đối với việc triển khai luật mới ?
Hiệu lực thi hành các quyết định trọng tài là vấn đề rất đáng quan tâm. Để điều khoản giải quyết tranh chấp thương mại bằng hình thức trọng tài được DN sử dụng nhiều trong các hợp đồng thương mại, hiệu lực thi hành các quyết định trọng tài phải được nhanh chóng thực thi. Đây là một trong những điều kiện cần và đủ cho Luật Trọng tài thương mại sớm ăn sâu vào đời sống kinh tế của DN.
Công tác thi hành các quyết định, trọng tài cũng cần được xã hội hóa. Hiện nay, mô hình thừa phát lại đang được thí điểm tại TP HCM. Tuy nhiên, tôi rất mong mô hình này sẽ được triển khai thành công và mở rộng ra toàn quốc. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần ban hành những chế tài đủ mạnh đối với công tác thi hành quyết định trọng tài.
- Xin cảm ơn ông !
Lan Hương thực hiện

Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp

Leave a Reply

Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

Widget by : All

Tìm kiếm Blog này

Translate

Popular Post

NGƯỜI YÊU THÍCH

Được tạo bởi Blogger.

FACEBOOK CÁ NHÂN

- Copyright © DỊCH VỤ HỖ TRỢ PHÁP LUẬT -Metrominimalist- Powered by Blogger - Designed by Chu Tùng Anh | Blogger CHU TÙNG ANH -