Posted by : Unknown Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

CHÍNH PHỦ
Số: 91/2014/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 2014                          
NGHỊ ĐỊNH
Sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế
________________

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 29 tháng 11 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Luật Thuế thu nhập cá nhân ngày 21 tháng 11 năm 2007; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân ngày 22 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Luật Thuế giá trị gia tăng ngày 03 tháng 6 năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng ngày 19 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp ngày 03 tháng 6 năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp ngày 19 tháng 6 năm 2013;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung Điểm m Khoản 2 Điều 3 như sau:
“m) Chênh lệch do đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật để góp vốn, điều chuyển khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, trừ trường hợp cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100 % vốn điều lệ.
Doanh nghiệp nhận tài sản được hạch toán theo giá đánh giá lại khi xác định chi phí được trừ quy định tại Điều 9 Nghị định này.”
2. Sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 4 như sau:
“3. Thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, được miễn thuế trong thời gian thực hiện hợp đồng và tối đa không quá 03 năm kể từ ngày bắt đầu có doanh thu từ thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; thu nhập từ bán sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ được miễn thuế tối đa không quá 05 năm kể từ ngày có doanh thu từ bán sản phẩm; thu nhập từ bán sản phẩm sản xuất thử nghiệm trong thời gian sản xuất thử nghiệm theo quy định của pháp luật”.
3. Sửa đổi, bổ sung Khoản 9 Điều 4 như sau:
“9. Thu nhập từ thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao của Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong hoạt động tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu; thu nhập từ hoạt động tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác của Ngân hàng Chính sách xã hội; thu nhập của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam; thu nhập từ hoạt động có thu do thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao của các quỹ tài chính Nhà nước: Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tổ chức Bảo hiểm tiền gửi, Quỹ Bảo hiểm Y tế, Quỹ hỗ trợ học nghề, Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quỹ hỗ trợ nông dân, Quỹ trợ giúp pháp lý Việt Nam, Quỹ viễn thông công ích, Quỹ đầu tư phát triển địa phương, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo, Quỹ bảo hộ công dân và pháp nhân tại nước ngoài, Quỹ phát triển nhà, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, thu nhập từ thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao của Quỹ phát triển đất và quỹ khác của Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định hoặc quyết định được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật”.
4. Sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 1 Điều 9 như sau:
“a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm cả các khoản chi sau:
- Khoản chi cho thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh, huấn luyện, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ và phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh khác theo quy định của pháp luật; khoản chi hỗ trợ phục vụ cho hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp.
- Các khoản chi thực tế cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nơi làm việc của doanh nghiệp, bao gồm: Chi phí đào tạo cán bộ phòng, chống HIV/AIDS của doanh nghiệp, chi phí tổ chức truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động của doanh nghiệp, phí thực hiện tư vấn khám và xét nghiệm HIV, chi phí hỗ trợ người nhiễm HIV là người lao động của doanh nghiệp.
- Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động mà doanh nghiệp có hóa đơn, chứng từ theo quy định như: Chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con cái của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính; tổng số chi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế”.
5. Sửa đổi, bổ sung Điểm d Khoản 2 Điều 9 như sau:
“d) Phần trích khấu hao tài sản cố định không đúng quy định của Bộ Tài chính, bao gồm: Khấu hao đối với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (trừ: ô tô dùng cho kinh doanh vận tải hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn; ô tô dùng để làm mẫu và lái thử cho kinh doanh ô tô) tương ứng với phần nguyên giá vượt trên 1,6 tỷ đồng/xe; khấu hao của tàu bay dân dụng, du thuyền không sử dụng kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn”.
6. Sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 16 như sau:
“3. Miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại Khoản 3 Điều 15 Nghị định này và thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại khu công nghiệp (trừ khu công nghiệp nằm trên địa bàn có điều kiện - kinh tế xã hội thuận lợi).
Địa bàn có điều kiện - kinh tế xã hội thuận lợi quy định tại Khoản này là các quận nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh, không bao gồm các quận của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh mới được thành lập từ huyện kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2009; trường hợp khu công nghiệp nằm trên cả địa bàn thuận lợi và địa bàn không thuận lợi thì việc xác định ưu đãi thuế đối với khu công nghiệp căn cứ vào vị trí thực tế của dự án đầu tư trên thực địa. Việc xác định đô thị loại đặc biệt, loại I quy định tại Khoản này thực hiện theo quy định của Chính phủ quy định về phân loại đô thị.”.
7. Bổ sung Khoản 5a Điều 19 như sau:
“5a. Đối với dự án đầu tư được cấp phép đầu tư mà trong Hồ sơ đăng ký đầu tư lần đầu gửi cơ quan cấp phép đầu tư đã đăng ký số vốn đầu tư, phân kỳ đầu tư kèm tiến độ thực hiện đầu tư, ở các giai đoạn tiếp theo trường hợp thực tế thực hiện được coi là dự án thành phần của dự án đầu tư đã được cấp phép lần đầu nếu thực hiện theo tiến độ (trừ trường hợp khó khăn khách quan, bất khả kháng) thì được hưởng ưu đãi thuế theo mức ưu đãi đang áp dụng đối với dự án đầu tư lần đầu; đối với dự án đầu tư được cấp giấy phép đầu tư trước ngày 01 tháng 01 năm 2014 thì ưu đãi thuế được hưởng cho thời gian ưu đãi còn lại được tính từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
Dự án đầu tư của doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi thuế mà giai đoạn 2009 - 2013 có đầu tư bổ sung máy móc, thiết bị thường xuyên trong quá trình sản xuất, kinh doanh thì phần thu nhập tăng thêm do việc đầu tư bổ sung máy móc, thiết bị thường xuyên này cũng được hưởng ưu đãi thuế theo mức mà dự án đang áp dụng cho thời gian còn lại.”
8. Bổ sung Khoản 5b Điều 19 như sau:
“5b. Doanh nghiệp còn thời gian hưởng ưu đãi thuế theo điều kiện về tỷ lệ xuất khẩu nhưng bị ngừng ưu đãi thuế do thực hiện cam kết với Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đối với hoạt động dệt, may từ ngày 11 tháng 01 năm 2007 và hoạt động khác từ ngày 01 tháng 01 năm 2012 thì được lựa chọn kết hợp không đồng thời, đồng bộ ưu đãi về thuế suất và thời gian miễn, giảm thuế để tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho thời gian còn lại kể từ năm 2007 đối với hoạt động dệt, may hoặc kể từ năm 2012 đối với hoạt động khác, tương ứng với các điều kiện ưu đãi thuế mà thực tế doanh nghiệp đáp ứng (ngoài điều kiện ưu đãi do đáp ứng điều kiện về tỷ lệ xuất khẩu, do sử dụng nguyên liệu trong nước) quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp có hiệu lực trong thời gian từ ngày doanh nghiệp được cấp Giấy phép thành lập đến trước ngày Nghị định số 24/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có hiệu lực thi hành hoặc theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp tại thời điểm bị điều chỉnh ưu đãi thuế do thực hiện cam kết WTO.”
9. Sửa đổi các Điểm 2, 3, 4, 5, 32, 37 Danh mục địa bàn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ như sau:
STT
Tỉnh
Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn
2
Cao Bằng
Toàn bộ các huyện và thành phố Cao Bằng

3
Hà Giang
Toàn bộ các huyện và thành phố Hà Giang

4
Lai Châu
Toàn bộ các huyện và thành phố Lai Châu

5
Sơn La
Toàn bộ các huyện và thành phố Sơn La

32
Khánh Hòa
Các huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, huyện đảo Trường Sa và các đảo thuộc tỉnh
Các huyện Vạn Ninh, Diên Khánh, Ninh Hòa, thành phố Cam Ranh
37
Kon Tum
Toàn bộ các huyện và thành phố Kon Tum

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 2 Điều 3 như sau:
“a) Dịch vụ cấp tín dụng gồm các hình thức:
- Cho vay;
- Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác;
- Bảo lãnh;
- Cho thuê tài chính;
- Phát hành thẻ tín dụng;
- Bao thanh toán trong nước; bao thanh toán quốc tế;
- Bán tài sản bảo đảm tiền vay, bao gồm cả trường hợp bên đi vay vốn tự bán tài sản đảm bảo theo ủy quyền của bên cho vay để trả nợ khoản vay có đảm bảo;
- Cung cấp thông tin tín dụng theo quy định của Luật Ngân hàng nhà nước;
- Hình thức cấp tín dụng khác theo quy định của pháp luật”.
2. Sửa đổi Điểm b Khoản 2 Điều 9 như sau:
“b) Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ trường hợp tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng.
Đối với hàng hóa, dịch vụ mua trả chậm, trả góp có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên, cơ sở kinh doanh căn cứ vào hợp đồng mua hàng hóa, dịch vụ, hóa đơn giá trị gia tăng và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của hàng hóa dịch vụ mua trả chậm, trả góp để kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Trường hợp chưa có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng thì cơ sở kinh doanh vẫn được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra cũng được coi là thanh toán không dùng tiền mặt.”
3. Sửa đổi Điểm c Khoản 1 Điều 9 như sau:
“c) Thuế giá trị gia tăng đầu vào của tài sản cố định, máy móc, thiết bị, kể cả thuế giá trị gia tăng đầu vào của hoạt động đi thuê những tài sản, máy móc, thiết bị này, trong các trường hợp sau đây không được khấu trừ mà tính vào nguyên giá của tài sản cố định hoặc chi phí được trừ theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành: Tài sản cố định chuyên dùng phục vụ sản xuất vũ khí, khí tài phục vụ quốc phòng, an ninh; tài sản cố định, máy móc, thiết bị của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh tái bảo hiểm, bảo hiểm nhân thọ, kinh doanh chứng khoán, cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở đào tạo; tàu bay dân dụng, du thuyền không sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn.
Đối với tài sản cố định là ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (trừ: ô tô sử dụng cho kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn; ô tô dùng để làm mẫu và lái thử cho kinh doanh ô tô) có trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng thì số thuế giá trị gia tăng đầu vào tương ứng với phần trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng không được khấu trừ”.
Điều 3. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung Điểm đ Khoản 2 Điều 3 như sau:
“đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:
- Tiền nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có), không bao gồm khoản lợi ích về nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng để cung cấp cho người lao động làm việc tại khu công nghiệp, nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng tại khu kinh tế, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn cung cấp cho người lao động.
- Khoản tiền phí tích lũy mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác, tiền tích lũy đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện, do người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động. Trước khi trả tiền bảo hiểm, tiền lương hưu cho cá nhân, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty quản lý quỹ hưu trí tự nguyện có trách nhiệm khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% đối với khoản tiền phí tích lũy, tiền tích lũy đóng góp quỹ tương ứng với phần người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.
- Phí hội viên và các khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân theo yêu cầu, như: Chăm sóc sức khỏe, vui chơi, thể thao, giải trí, thẩm mỹ.
- Các khoản lợi ích khác theo quy định của pháp luật.”
2. Sửa đổi Điểm b Khoản 5 Điều 30 như sau:
“b) Cá nhân, hộ kinh doanh có thu nhập từ kinh doanh đã thực hiện nộp thuế theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này”.
3. Bổ sung Điểm e Khoản 5 Điều 30 như sau:
“e) Cá nhân là đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, bán hàng đa cấp đã được tổ chức trả thu nhập khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.”.
Điều 4. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế như sau:
1. Sửa đổi Khoản 5 Điều 5 như sau:
“5. Trường hợp người nộp thuế tạm ngừng hoạt động kinh doanh đã có văn bản đề nghị gửi cơ quan đăng ký kinh doanh nơi người nộp thuế đã đăng ký thì không phải nộp hồ sơ khai thuế trong thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Trường hợp người nộp thuế tiếp tục hoạt động kinh doanh trở lại sau thời gian tạm ngừng và đã có văn bản thông báo gửi cơ quan đăng ký kinh doanh nơi người nộp thuế đã đăng ký thì thực hiện nộp hồ sơ khai thuế theo quy định. Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thuế biết về thông tin doanh nghiệp, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục hoạt động kinh doanh trở lại.”
2. Bổ sung Khoản 3a Điều 7 như sau:
“3a. Đối với doanh nghiệp có quy mô đầu tư lớn, dự án trọng điểm quốc gia dự án đầu tư ưu tiên được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trước khi cấp phép đầu tư, giao Bộ Tài chính xem xét, công nhận doanh nghiệp ưu tiên khi chưa đáp ứng điều kiện về 2 năm hoạt động để đánh giá tuân thủ pháp luật và đánh giá độ tin cậy của cơ quan hải quan. Bộ Tài chính thực hiện công nhận doanh nghiệp ưu tiên và áp dụng biện pháp ưu tiên theo quy định tại Khoản 2 Điều này khi doanh nghiệp thực hiện xây dựng cơ sở vật chất của dự án”.
3. Sửa đổi Điểm b Khoản 1 Điều 11 như sau:
“b) Khai theo quý áp dụng đối với người nộp thuế đáp ứng điều kiện có tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống.”
4. Sửa đổi Khoản 1 Điều 12 như sau:
“1. Khai thuế thu nhập doanh nghiệp là khai quyết toán năm hoặc khai quyết toán thuế đến thời điểm doanh nghiệp chia, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (không bao gồm các trường hợp chuyển đổi mà bên tiếp nhận kế thừa toàn bộ nghĩa vụ về thuế của doanh nghiệp trước chuyển đổi), giải thể, chấm dứt hoạt động, trừ trường hợp khai theo từng lần phát sinh đối với thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra quyết toán thuế của doanh nghiệp trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được các tài liệu, hồ sơ liên quan đến việc quyết toán nghĩa vụ thuế từ người nộp thuế trong trường hợp chia, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, giải thể, chấm dứt hoạt động. Riêng trường hợp doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động, Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế cơ quan thuế đặt hàng và sử dụng kết quả, của các công ty kiểm toán độc lập, tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế để thực hiện kiểm tra quyết toán thuế của doanh nghiệp nhanh chóng, thuận lợi.”
5. Sửa đổi Khoản 2 Điều 12 như sau:
“2. Hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp:
a) Hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:
- Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp;
- Báo cáo tài chính năm hoặc báo cáo tài chính đến thời điểm doanh nghiệp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động;
b) Hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng bất động sản là tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp về chuyển nhượng bất động sản;
c) Hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo từng lần phát sinh là tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp.”
6. Bổ sung Khoản 1a Điều 26 như sau:
“1a. Căn cứ kết quả sản xuất, kinh doanh, người nộp thuế thực hiện tạm nộp số thuế thu nhập doanh nghiệp của quý chậm nhất vào ngày thứ ba mươi của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
Đối với những doanh nghiệp phải lập báo cáo tài chính quý theo quy định của pháp luật thì căn cứ vào báo cáo tài chính quý và các quy định của pháp luật về thuế để xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp hàng quý.
Đối với những doanh nghiệp không phải lập báo cáo tài chính quý thì doanh nghiệp căn cứ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp của năm trước và dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh trong năm để xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp hàng quý.
Trường hợp tổng số bốn lần tạm nộp thấp hơn từ 20% trở lên so với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán thì doanh nghiệp phải nộp lãi chậm nộp đối với phần chênh lệch từ 20% trở lên giữa số tạm nộp với số quyết toán tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế quý bốn của doanh nghiệp đến ngày thực nộp số thuế còn thiếu so với số quyết toán.”
7. Sửa đổi Khoản 3 Điều 31 như sau:
“3. Thời gian gia hạn nộp thuế:
a) Thời gian gia hạn nộp thuế tối đa không quá 02 (hai) năm, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đối với trường hợp quy định tại các Điểm a, c Khoản 1 Điều này.
Số thuế được gia hạn đối với trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này không vượt quá số tiền ngân sách nhà nước còn nợ.
b) Thời gian gia hạn nộp thuế tối đa không quá 01 năm, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đối với trường hợp quy định tại các Điểm b, d Khoản 1 Điều này.”
Điều 5. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 11 năm 2014. Riêng quy định tại Điều 1 Nghị định này áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2014.
2. Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
(Đã ký)
 
 
Nguyễn Tấn Dũng

Leave a Reply

Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

Widget by : All

Tìm kiếm Blog này

Translate

Popular Post

NGƯỜI YÊU THÍCH

Được tạo bởi Blogger.

FACEBOOK CÁ NHÂN

- Copyright © DỊCH VỤ HỖ TRỢ PHÁP LUẬT -Metrominimalist- Powered by Blogger - Designed by Chu Tùng Anh | Blogger CHU TÙNG ANH -