Gọi là “chợ” nhưng ở đó không có cảnh xô bồ ồn ào. Chỉ có những người mê mải ngắm từng con tem, rồi nài nỉ mua cho kỳ được con tem yêu thích. Những bộ tem trị giá hàng ngàn USD thuộc hàng quý hiếm bậc nhất lúc nào cũng nhận được những lời trầm trồ tán dương của người mê tem…
Sân chơi nghệ thuật nơi... vỉa hè!
“Chợ” tem độc nhất vô nhị ở Hà Nội thường bắt đầu phiên họp vào khoảng 9h sáng các ngày Chủ nhật hàng tuần trên con phố Triệu Việt Vương rợp bóng cây. Vài chiếc bàn nhựa được kê ra với la liệt những chiếc ghế nhựa đã trở thành “chốn đi về” của những người Hà Nội say mê sưu tập tem. Mỗi người khi đến đây đều mang theo mình chiếc túi đựng những cuốn album tem dày cộp. Không chỉ người Hà Nội, mà ngay cả khách nước ngoài và người yêu tem ở các tỉnh cũng đến “chợ” mỗi khi có dịp về Hà Nội. Những bộ tem hay con tem riêng lẻ được giới chơi xếp sẵn vào từng ô với mức giá đề sẵn bên cạnh để tiện trao đổi. Chơi tem là một thú chơi nghệ thuật rất cầu kỳ và đòi hỏi lắm công phu. Ông Lê Đức Vân (phố Hồng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội), năm nay đã ngoài 80 tuổi, là người bắt đầu sưu tầm những con tem đầu tiên từ năm 60 thế kỷ trước. Ông hiện đang sở hữu bộ sưu tập tem đồ sộ và độc nhất vô nhị Việt Nam về hình ảnh người phụ nữ. Gia tài tem của ông bây giờ có hàng ngàn con tem quý hiếm, được cất giữ cẩn thận trong từng bộ tem với nhiều chủ đề khác nhau. Ý tưởng bộ sưu tập tem về phụ nữ được nảy sinh sau khi ông tình cờ đọc được câu thơ rất hay của nhà thơ Cuba, Nicolas Guillen: “Người phụ nữ là tác phẩm tuyệt vời của tạo hóa, của thiên nhiên và của xã hội”. Hàng chục năm mê mải tìm kiểm, cuối cùng ông cũng hoàn thành bộ sưu tập tem phụ nữ gồm 5 khung tem với 80 trang (mỗi khung 16 trang) theo đúng nguyên tắc về một sưu tập tem của quốc tế. Có những con tem, ông phải mất vài năm cất công tìm kiếm mới có được bởi tem quốc tế về phụ nữ không nhiều; Thậm chí một số nước theo đạo Hồi, trong vòng 20 - 30 năm chỉ có duy nhất một con tem về phụ nữ. Bộ sưu tập độc đáo của ông Vân thể hiện đầy đủ hình ảnh người phụ nữ năm châu bốn biển, từ cổ chí kim. Ấy là hình tượng các nữ nhạc công thời kỳ đồ đá mới; hình ảnh vệ nữ Brassempouy từ 3.000 năm trước công nguyên; hình ảnh Hoàng hậu Ai Cập Néfertiti, đến những phụ nữ nổi tiếng như Jeanne d’Arc (1412 - 1431), nữ anh hùng Pháp bị đưa lên giàn thiêu. Con tem in hình Isabelle la Catholique (1451-1504), nữ hoàng xứ Castille năm 1492 đã cùng với chồng là vua Tây Ban Nha tài trợ cho Christophe Colombo đi tìm Tân thế giới; Rồi là hình ảnh người đàn bà quyền lực nhất trong lịch sử Trung Hoa Từ Hy Thái Hậu; hình ảnh các nữ hoàng Anh; Ulianova Kruvpskaia Nadejda Constantinovna, phu nhân của LêNin; hình ảnh người phụ nữ châu Á trong tem của Afghanistan... Say mê bộ sưu tập đến nỗi dù đã ngoài 80 tuổi nhưng chỉ cần nhìn vào mỗi con tem, ông Vân có thể vanh vách kể về lịch sử, văn hóa và hình ảnh người phụ nữ trong tem thuộc về nước nào.
“Tay chơi” nhỏ tuổi nhất
Không chỉ thu hút những người đứng tuổi, sân chơi nghệ thuật độc nhất vô nhị ở Hà Nội này còn thu hút rất đông giới trẻ.
Gấy ấn tượng nhất trong chợ tem là thành viên “nhí”, tên Lê Kinh Tuấn, học sinh lớp 9 trường Nguyễn Siêu. Đó là “tay chơi” nhỏ tuổi nhất thường đến “họp chợ” trên phố Triệu Việt Vương hàng tuần. Kinh Tuấn còn có cậu anh trai là Lê Kinh Tú cũng say mê sưu tầm tem và tiền giấy. Vào các sáng Chủ nhật hàng tuần, hai anh em được bố đưa đến phố Triệu Việt Vương ngắm nghía và tìm mua những con tem yêu thích. Cậu bé Lê Kinh Tuấn đặc biệt chỉ sưu tầm tem có chủ đề ngựa. “Cháu tuổi ngựa nên cháu chỉ thích sưu tầm tem có hình ngựa thôi. Tháng nào bố cháu cũng đưa đi chợ tem và mua cho nên bây giờ bộ sưu tập của cháu cũng kha khá”, cậu bé Lê Kinh Tuấn vui vẻ khoe. Bên cạnh những cậu bé, cô bé thuộc thế hệ 9X đang chập chững bước vào thế giới tem với niềm say mê của tuổi trẻ, còn có những người thuộc hàng “bô lão” trong giới chơi tem. Đó là các cụ Lê Đức Vân, ông Nguyễn Tiến Đạt, ông Phạm Hào... Họ đều là những “tay chơi” kỳ cựu có thâm niên sưu tầm tem hàng chục năm trời. Trong đó, ông Nguyễn Tiến Đạt từng giành được nhiều giải thưởng về sưu tầm tem trong các cuộc thi lớn như giải Mạ Vàng cho bộ sưu tập 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội; giải Bạc quốc gia về bộ sưu tập Bác Hồ và Hà Nội cùng vô số giải của các cuộc thi khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Quảng Nam – Đà Nẵng v.v...
Riêng ông Phạm Hào, không chỉ là một “lão làng” trong giới chơi tem mà ông còn chính là người có công xây dựng nên sân chơi nghệ thuật tem trên phố Triệu Việt Vương, lập nên nơi chốn đi về cho những người yêu tem Hà thành. Ông bảo: “Những người đến đây chỉ nói chuyện về tem, không có bất cứ chuyện kinh tế, xã hội nào khác. Chỉ xem, ngắm và sưu tầm tem mà thôi. Gần 10 năm nay, sáng chủ nhật nào cũng họp chợ, chỉ duy nhất năm trước Chủ nhật rơi vào sáng mùng 1 Tết nên không họp mà thôi. Còn kể cả Chủ nhật rơi vào ngày 30 Tết hay mùng 2 Tết thì mọi người đều có mặt đủ cả”.
Để có được cuộc họp “xôm trò” vào các sáng Chủ nhật hàng tuần, những người yêu tem Hà Nội mỗi người một tay đều đóng góp cho “chợ”. Người thì ủng hộ bộ bàn, người thì ủng hộ ghế, người lại mua bạt, mua dù để phòng khi trời mưa... Tất cả dụng cụ ấy của chợ, sau mỗi buổi tan phiên đều được ông “chủ chợ” cũng là chủ nhân của ngôi nhà 160 Triệt Việt Vương – nơi diễn ra chợ tem trên vỉa hè – khuân cất vào phía trong sân của ngôi nhà, chờ phiên họp vào Chủ nhật tuần sau.
Một bộ tem = một xế hộp
Chơi tem là một nghề chơi lắm công phu. Tem được chia thành hai loại là “tem sống” và “tem chết”. Tem sống là tem chưa qua sử dụng, còn tem chết là tem có đóng dấu nhật ấn để sử dụng gửi thư, bưu phẩm.
Thông thường, tem được trưng bày thành một khung để bán; mỗi khung gồm 16 trang, mỗi trang có 5 hàng tem nhỏ được đề giá sẵn để tiện giao dịch. Giá tem chơi cũng rất đa dạng. Có những con tem giá rất mềm, chỉ 1.000 - 2.000 đồng/chiếc; tem lẻ dán trên phong bì đã qua sử dụng với đủ cả ngày tháng thì cao hơn khoảng 6.000 - 7.000 đồng/chiếc. Cũng có con tem được bán độ 20.000 hoặc 100.000 – 150.000 đ/chiếc. Giá tem thường không ổn định, chỉ những con tem mang dấu ấn lịch sử và văn hóa đặc biệt nào đó và có số lượng cực ít thì mới có giá trị kinh tế cao. Ông Phạm Hào đánh giá: “Con tem đắt nhất hiện nay là con tem “binh sĩ lá mạ” năm 1969. Con tem này rất hiếm và giá trị của nó rất vô cùng. Tem binh sĩ màu xanh lá mạ này vốn nằm trong bộ tem binh sĩ gồm 4 con. Người ta ví chỉ cần có trong tay con tem binh sĩ màu lá mạ này là có thể mua được con ô tô xịn...”. Đó là con tem lẻ được xếp vào hàng đắt và quý nhất hiện nay, còn nếu tính bộ tem thì bộ Mạc Thị Bưởi là bộ tem có giá nhất hiện nay. Bộ tem đắt giá này cũng gồm 4 con, trị giá mỗi con tem này lên tới khoảng 550 USD, nếu tính cả bộ bốn con thì giá của nó lên tới hơn 2.000 USD. Cụ Lê Đức Vân bảo: “Sau bộ Mạc Thị Bưởi, là những loại tem quý và đắt như tem blog con cò, bộ tem bắn rơi 1.500 máy bay Mỹ. Tôi vừa hỏi một người bạn trong miền Nam thì giá bây giờ là xấp xỉ 2 triệu đồng một con tem bắn rơi 1.500 máy bay Mỹ. Mà không phải cứ có tiền là mua được, phải thân quen lắm người ta mới nhượng lại cho”.
Lã Xưa
|
- Back to Home »
- Những con tem đắt nhất Việt Nam
Posted by : Unknown
Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014