- Back to Home »
- Những nội dung cơ bản Luật SĐBS Luật Thuế giá trị gia tăng
Posted by : Unknown
Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014
Nhằm giúp các doanh nghiệp nắm bắt nhanh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Cổng Thông tin Điện tử thành phố trân trọng giới thiệu đến các doanh nghiệp một số nội dung cơ bản của Luật.
Ngày 16/ 6 /2013, Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật thuế giá trị gia tăng số 31/2013/QH13 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 5. Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2014.
Luật có một số nội dung chính được sửa đổi, bổ sung theo từng nhóm vấn đề cụ thể như sau:
Thứ nhất, về đối tượng không chịu thuế:
- Luật đã bổ sung làm rõ: các sản phẩm từ muối được sản xuất từ nước biển, muối mỏ tự nhiên, muối tinh, muối i-ốt mà thành phần chính có công thức hoá học là NaCl.
- Về các đối tượng không chịu thuế có bổ sung:
+ Bảo hiểm sức khỏe, các dịch vụ bảo hiểm khác liên quan đến con người; các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác; bảo hiểm tàu, thuyền, trang thiết bị và các dụng cụ cần thiết khác phục vụ trực tiếp đánh bắt thuỷ sản; bảo hiểm cho ngư dân, để phù hợp với Luật kinh doanh bảo hiểm và khuyến khích ngư dân bám biển.
+ Bán tài sản bảo đảm của khoản nợ của tổ chức Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam, để góp phần thực hiện đề án thành lập Công ty quản lý tài sản Việt Nam - VAMC (Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ) nhằm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam. Các khoản nợ xấu được VAMC tập trung xử lý là nợ xấu có tài sản đảm bảo bằng bất động sản và bất động sản hình thành trong tương lai dưới các hình thức như cấp tín dụng, mua bán trái phiếu doanh nghiệp, công cụ nợ.
+ Phụ tùng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học (Luật hiện hành đã quy định máy móc, thiết bị, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học thuộc đối tượng không chịu thuế).
- Luật lần này đã bỏ dịch vụ phục vụ công cộng về vệ sinh, thoát nước đường phố và khu dân cư ở quy định về đối tượng không chịu thuế mà chuyển sang đối tượng chịu thuế suất 10%, để xử lý vướng mắc trong thực tiễn thực hiện thời gian qua (trong việc phân biệt giữa dịch vụ công cộng về vệ sinh thoát nước đường phố thuộc loại dịch vụ công ích theo đơn đặt hàng của Nhà nước với dịch vụ vệ sinh thoát nước, xử lý chất thải cho tổ chức, cá nhân khác; Có DN đã đầu tư lớn cho việc xử lý chất thải, tái chế phế liệu mà sản phẩm đầu ra (phân vi sinh, sản phẩm tái chế từ nhựa, thuỷ tinh,...) chịu thuế GTGT nhưng không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào. Do đó cần thiết chuyển dịch vụ này vào diện chịu thuế để bảo đảm tính liên hoàn của thuế GTGT. Trường hợp cung cấp hàng hoá, dịch vụ theo phương thức Nhà nước đặt hàng thì Nhà nước bố trí đủ kinh phí để DN nộp thuế.
- Đồng thời, chuyển đổi căn cứ để xác định hàng hoá, dịch vụ không chịu thuế GTGT của hộ, cá nhân kinh doanh có thu nhập thấp từ tiêu thức thu nhập so với mức tiền lương tối thiểu sang tiêu thức doanh thu. Cụ thể: quy định hàng hóa, dịch vụ của cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, để đảm bảo phù hợp bản chất của thuế GTGT là thu theo hàng hóa và dịch vụ, đồng thời đảm bảo sự ổn định hơn của chính sách so với quy định theo mức lương tối thiểu chung như hiện hành (mức lương tối thiếu thường được Nhà nước điều chỉnh hàng năm), và khắc phục sự phức tạp trong quá trình thực hiện do phải xác định thu nhập của các đối tượng này, tạo thuận lợi hơn cho cơ quan thuế và người nộp thuế trong việc thực thi pháp luật thuế GTGT.
Thứ hai, về giá tính thuế GTGT:
- Luật đã bổ sung quy định giá tính thuế đối với hàng hoá chịu thuế bảo vệ môi trường là là giá bán đã có thuế bảo vệ môi trường nhưng chưa có thuế GTGT
- Bỏ nội dung: “Trường hợp thuê máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải của nước ngoài loại trong nước chưa sản xuất được để cho thuê lại, giá tính thuế được trừ giá thuê phải trả cho nước ngoài;” vì quy định loại trừ này không còn phù hợp.
Thứ ba, về thuế suất thuế GTGT:
- Bổ sung quy định nguyên tắc xác định hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu áp dụng thuế suất 0% là hàng hoá, dịch vụ được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, trong khu phi thuế quan; hàng hoá, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của Chính phủ, để đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế thì việc xác định hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được căn cứ vào nơi tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, khắc phục các vướng mắc trong thực tiễn thực hiện vừa qua (căn cứ theo tiêu chí bên nước ngoài có hoặc không có cơ sở thường trú tại VN), tránh các trường hợp lách luật (cung cấp dịch vụ cho nước ngoài nhưng thực tế dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam) cũng như giải quyết được vướng mắc cho người nộp thuế (NNT) (trong trường hợp dịch vụ được xuất khẩu và được tiêu dùng ngoài Việt Nam nhưng không được xem là xuất khẩu theo quy định hiện hành vì phía nước ngoài này có cơ sở thường trú tại Việt Nam).
- Bổ sung mức thuế suất 5% đối với bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật nhà ở.
Thứ tư, về ngưỡng đăng ký nộp thuế GTGT và phương pháp tính thuế:
* Ngưỡng đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ
- Bổ sung quy định về ngưỡng doanh thu nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ là: Cơ sở kinh doanh có doanh thu hàng năm từ bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ từ một tỷ đồng trở lên, trừ hộ, cá nhân kinh doanh và trừ trường hợp có đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ.
Như vậy, từ ngày 01/01/2014 hộ, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng áp dụng thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp - không thuộc đối tượng áp dụng phương pháp khấu trừ, kể cả trường hợp có doanh thu hàng năm trên 1 tỷ.
Đây là nội dung sửa đổi có tính chất căn bản của Luật thuế GTGT lần này làm cho Luật thuế GTGT của Việt Nam theo đúng chuẩn mực của thông lệ quốc tế.
* Về phương pháp tính trực tiếp:
Phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng: áp dụng duy nhất đối với hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý.
- Cách xác định: Số thuế phải nộp bằng (=) Giá trị gia tăng nhân (x) Thuế suất thuế giá trị gia tăng.
Phương pháp tính theo tỷ lệ % nhân với doanh thu
- Đối tượng áp dụng:
+ DN, hợp tác xã có doanh thu hàng năm dưới mức ngưỡng doanh thu một tỷ đồng, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này;
+ Hộ, cá nhân kinh doanh;
+ Nhà thầu nước ngoài chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ, trừ nhà thầu dầu khí nộp thuế theo phương pháp khấu trừ do bên Việt Nam khấu trừ nộp thay;
+ Tổ chức kinh tế khác, trừ trường hợp tự nguyện đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.
- Cách xác định: Số thuế phải nộp bằng (=) Tỷ lệ % nhân (x) Doanh thu.
Tỷ lệ thu được phân biệt theo 4 loại ngành nghề:
+ Phân phối, cung cấp hàng hoá: 1%;
+ Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%;
+ Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hoá, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%;
+ Hoạt động kinh doanh khác: 2%.”
Với việc áp dụng quy định về ngưỡng, đối với người nộp thuế có doanh thu hàng năm hoặc trong 12 tháng liên tục trên ngưỡng doanh thu tính thuế sẽ khai nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế, người nộp thuế có doanh thu dưới ngưỡng nộp thuế GTGT theo mức tỷ lệ trên doanh số. Thực hiện quy định này sẽ giúp phân loại NNT, tạo điều kiện cho NNT nhỏ (bao gồm DN nhỏ, siêu nhỏ, đơn vị sự nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh), đồng thời đảm bảo tính rõ ràng, đơn giản và làm giảm chi phí quản lý của cơ quan thuế và chi phí tuân thủ của NNT. (Quy định hiện hành áp dụng tỷ lệ GTGT và tỷ lệ TNCN, với 6 nhóm ngành tỷ lệ theo 5 khu vực và mỗi tỉnh có biểu tỷ lệ áp dụng riêng, tổng cộng trên cả nước có hơn 600 tỷ lệ thuế khác nhau).
Thứ năm, về khấu trừ thuế GTGT:
- Bỏ khống chế thời hạn (6 tháng) kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hóa đơn điều chỉnh bổ sung trong trường hợp có sai sót, miễn là trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế để phù hợp với quy định của Luật Quản lý thuế. Luật sửa đổi quy định như trên nhằm phù hợp và tương thích với quy định pháp luật về quản lý thuế đồng thời sẽ đảm bảo quyền lợi và tạo thuận lợi cho DN.
- Bỏ quy định thuế GTGT đầu vào của tài sản cố định sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ để bảo đảm nhất quán với nguyên tắc chỉ khấu trừ thuế GTGT đầu vào sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT và tránh các trường hợp lợi dụng, góp phần xử lý các vướng mắc trong hoàn thuế GTGT hiện nay.
Thứ sáu, về hoàn thuế GTGT:
- Bổ sung trường hợp hoàn thuế theo quý để phù hợp với sửa đổi về kỳ kê khai thuế theo quý tại Luật quản lý thuế, theo đó trường hợp cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng khai theo quý nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong quý thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo; trường hợp sau bốn quý tính từ quý đầu tiên phát sinh số thuế GTGT chưa được khấu trừ mà vẫn còn số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế.
- Sửa đổi phương thức từ hoàn thuế trong 03 tháng liên tục có số thuế âm sang khấu trừ vào các kỳ tiếp theo đến sau ít nhất mười hai tháng tính từ tháng đầu tiên nếu còn số thuế âm mới hoàn. Việc sửa đổi quy định này sẽ có tác dụng khắc phục bất cập hiện nay, giảm khó khăn cho quỹ hoàn thuế, góp phần chống lợi dụng, gian lận trong hoàn thuế đồng thời có tác dụng thúc đẩy DN sản xuất trong nước đẩy nhanh việc đưa dự án vào hoạt động và thúc đẩy quá trình lưu thông hàng hóa, trong khi đó các DN xuất khẩu vẫn được hoàn thuế như hiện nay.
- Sửa mức thuế tối thiểu được hoàn đối với đầu tư và xuất khẩu đang quy định là 200 triệu đồng thành 300 triệu đồng. Việc sửa đổi quy định này sẽ góp phần bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội và điều kiện, khả năng quản lý hiện nay, giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan thuế, giảm khối lượng hồ sơ hoàn thuế.
- Bổ sung quy định việc hoàn thuế đối với hàng hoá mang theo khi xuất cảnh của người mang hộ chiếu nước ngoài.
- Quy định 2 trường hợp về hoàn thuế GTGT đối với: (i) Các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại hoặc viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo: (ii) Đối tượng được hưởng ưu đãi miễn trừ ngoại giao theo quy định của Pháp lệnh về Ưu đãi miễn trừ ngoại giao.
Thứ bảy, về giải pháp giảm thuế GTGT và hiệu lực thi hành:
- Thực hiện giảm 50% mức thuế suất thuế GTGT từ ngày 01/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014 đối với bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại là căn hộ hoàn thiện có diện tích sàn dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
- Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2014. Quy định về áp dụng thuế suất 5% đối với bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật nhà ở được thực hiện từ 1/7/2013.