Posted by : Unknown Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

MỘT SỐ SUY NGHĨ VỀ LÃI SUẤT CƠ BẢN

ThS. PHẠM QUỐC VIỆT

1. Lãi suất cơ bản trên thế giới
L
ãi suất cơ bản ở Canada và Mỹ (Prime rate hoặc Prime lending rate) là lãi suất mà các ngân hàng thương mại lớn sử dụng để cho vay các khách hàng ưu đãi, có độ tín nhiệm cao. Lãi suất này được các tổ chức tín dụng tham khảo trong việc tính toán  lãi  suất cho vay các tổ chức và cá
nhân trong nền kinh tế.
Ở Mỹ, lãi suất cơ bản thường cao hơn 3 điểm phần trăm so với lãi suất cho vay bù đắp dự trữ bắt buộc (federal funds rate[1]). Tạp chí Wall Street Journal công bố theo định kỳ lãi suất cơ bản ở các nuớc (riêng ở Mỹ, lãi suất này tính trên lãi suất cơ bản do 30 ngân hàng lớn nhất của Mỹ công bố).



Bảng 1: Các lãi suất cơ bản trên thế giới
Đơn vị tính: phần trăm
52 tuần qua

Mới nhất
Tuần trước
Cao
Thấp
Mỹ
3.25
3.25
3.25
3.25
Canada
2.25
2.25
2.50
2.25
Khu vực châu Âu
1.00
1.00
1.25
1.00
Nhật Bản
1.475
1.475
1.475
1.475
Thụy Sĩ
0.53
0.53
0.55
0.51
Anh
0.50
0.50
0.50
0.50
Úc
4.25
4.00
4.25
3.00
Hồng Kông
5.25
5.25
5.25
5.00

Nguồn: www.wsj.com (09/04/2010)



Malaysia, các ngân hàng sử dụng thuật ngữ Base Lending Rate (BLR) để chỉ lãi suất cơ bản. Lãi suất này được tính bằng chi phí huy động vốn cộng với các chi phí quản lý, và là như nhau đối với các ngân hàng lớn. Lãi suất cơ bản thường xuyên được các ngân hàng điều chỉnh, nhưng không là đối tượng điều chỉnh của pháp luật. Lãi suất cơ bản hiện nay ở Malaysia là 5,8% (có hiệu lực từ ngày 09/3/2010)[2].
Trong hoạt động tín dụng ngân hàng trên thế giới, lãi suất cơ bản thường được sử dụng làm cơ sở để tính toán lãi suất thả nổi cho các khoản vay ngắn hạn (như cho vay qua thẻ tín dụng, cho vay thế chấp, cho vay cá nhân…), theo đó lãi suất cho vay bằng lãi suất cơ bản cộng thêm một tỷ lệ lãi suất cố định, tương ứng với rủi ro tín dụng.
Như vậy, có thể rút ra một số nhận xét quan trọng về lãi suất cơ bản trên thế giới:
- Lãi suất cơ bản là cơ sở để tính lãi suất cho vay, có thể là giá vốn của khoản vay (trường hợp Malaysia), hoặc lãi suất cho vay khách hàng có rủi ro thấp nhất (trường hợp Mỹ).
- Lãi suất cơ bản do từng ngân hàng quy định, không là đối tượng điều chỉnh trực tiếp[3] của pháp luật.
2. Lãi suất cơ bản ở Việt Nam
Lãi suất cơ bản ở Việt Nam xuất hiện lần đầu tiên trong Luật Ngân hàng nhà nước (1997), theo đó, “Lãi suất cơ bản là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh”[4]. Tuy nhiên, mãi đến năm 2000, Ngân hàng nhà nước mới có quy định cụ thể về việc áp dụng lãi suất cơ bản, cụ thể là:
- Ngân hàng nhà nước (NHNN) công bố lãi suất cơ bản trên cơ sở tham khảo mức lãi suất cho vay thương mại đối với khách hàng tốt nhất của nhóm các tổ chức tín dụng được lựa chọn theo quyết định của Thống đốc NHNN trong từng thời kỳ[5].
- Các ngân hàng thương mại (NHTM) chuyển từ việc áp dụng trần lãi suất cho vay sang cho vay theo lãi suất cơ bản cộng biên độ (cho vay ngắn hạn là 0,3%/tháng, cho vay trung dài hạn là 0,5%/tháng)[6].
Danh sách các tổ chức tín dụng được lựa chọn để cung cấp thông tin tham khảo cho NHNN về lãi suất cho vay ban đầu gồm 15 ngân hàng, trong đó có 4 NHTM nhà nước, 5 NHTM cổ phần đô thị, 2 NHTM cổ phần nông thôn, 2 ngân hàng liên doanh và 2 chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam[7].
Tuy nhiên, đến năm 2002, NHNN lại thay đổi cơ chế cho vay theo hướng không áp dụng lãi suất cơ bản cộng biên độ, mà cho phép các NHTM áp dụng lãi suất thỏa thuận với khách hàng. Lãi suất cơ bản vẫn tiếp tục được duy trì, nhưng chỉ để tham khảo và định hướng đối với lãi suất thị trường[8]. Đến năm 2008, khi các dấu hiệu của khủng hoảng tài chính thế giới đã rõ rệt, và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước lâm vào tình trạng khó khăn, NHNN trở lại với cơ chế điều hành lãi suất cho vay theo lãi suất cơ bản, theo đó lãi suất kinh doanh của NHTM (lần này bên cạnh lãi suất cho vay, có bổ sung thêm lãi suất huy động) không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do NHNN công bố[9]. Danh sách các tổ chức tín dụng được lựa chọn để cung cấp thông tin cho NHNN lên đến 25 ngân hàng, trong đó có 20 NHTM cổ phần, 2 ngân hàng liên doanh và 3 ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam[10]. Cơ chế cho vay này được thực hiện đến đầu năm 2010, nhưng không có tác động tích cực đối với thị trường tín dụng, nên đã được điều chỉnh theo hướng áp dụng lãi suất thỏa thuận đối với cho vay tiêu dùng từ tháng 1/2009[11], và đối với cho vay kinh doanh trung dài hạn, từ tháng 2/2010[12]. Và đến đầu tháng 4/2010, NHNN lại quay trở về với cơ chế điều hành lãi suất thỏa thuận[13].
Một điều cần lưu ý, theo Bộ Luật dân sự 2005, điều 476 có quy định về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản trong xã hội như sau: “1. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. 2. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ”. Trong Bộ luật dân sự 2005, không có điều khoản nào loại trừ hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Bộ luật này[14].
Qua xem xét cơ chế điều hành lãi suất cho vay của NHNN từ khi có Luật NHNN cho đến nay, nổi lên một số vấn đề sau:
(1) Vì sao cơ chế điều hành lãi suất theo hướng lãi suất cơ bản cộng biên độ không đi vào thực tiễn tín dụng ngân hàng ở Việt Nam, trong khi lại tương đối phổ biến ở các nước khác?
(2) Việc các NHTM áp dụng lãi suất thỏa thuận với khách hàng, mà trong nhiều trường hợp vượt quá mức quy định của Bộ luật dân sự phải chăng là hợp pháp?
Ở đây, chúng ta xem xét các vấn đề trên ở ý nghĩa kinh tế của lãi suất cơ bản. Nếu theo thông lệ thế giới và theo các văn bản pháp quy hiện hành của NHNN thì lãi suất cơ bản là lãi suất cho vay khách hàng tốt nhất. Nếu đã hiểu theo cách tiếp cận này, thì đương nhiên lãi suất cho vay của bất kỳ khách hàng nào khác của ngân hàng sẽ có lãi suất cao hơn lãi suất cơ bản.
Bên cạnh đó, nếu xét từ góc độ chi phí, lãi suất cơ bản được tính từ giá vốn, cộng thêm phần bù rủi ro tín dụng của khách hàng tốt nhất và lợi nhuận dự kiến của ngân hàng, tức là lãi suất cơ bản > giá vốn. Mặt khác, do tất cả các khoản tiền gửi mà NHTM nhận được từ khách hàng đều phải chịu dự trữ bắt buộc (hiện từ 1-3%, gửi tại NHNN) và dự trữ tùy ý (để đảm bảo thanh toán cho chính bản thân NHTM), nên giá vốn = lãi suất huy động/(1 – tỷ lệ dự trữ), suy ra lãi suất huy động < giá vốn. Kết hợp lại, ta có bất đẳng thức:
Lãi suất huy động < lãi suất cơ bản < lãi suất cho vay.
Trong những năm qua, và cho đến thời điểm này (lãi suất cho vay thỏa thuận từ 14 – 17%/năm, lãi suất tiết kiệm trên 11%/năm, còn lãi suất cơ bản là 8%/năm), lãi suất cơ bản do NHNN công bố thấp hơn lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các NHTM, vì vậy, có thể suy đoán là lãi suất cơ bản được công bố không theo biến động lãi suất trên thị trường tín dụng. NHTM là tổ chức kinh doanh, vì vậy, họ phải quan tâm đến chênh lệch lãi suất được tạo ra từ hoạt động kinh doanh tiền tệ. Khi lãi suất cơ bản cộng biên độ vẫn chưa đảm bảo được chênh lệch lãi suất cần thiết so với lãi suất huy động, các NHTM có động cơ tìm kiếm thêm phần chênh lệch lãi suất bổ sung như cho vay vượt trần, thu các loại phí (phí thẩm định, phí quản lý tài sản, phí thu xếp tín dụng…), hoặc khách hàng phải ký quỹ một phần tiền vay… và do đó làm méo mó lãi suất thị trường.
Một mối nguy khác là, mặc dù NHNN cho phép các NHTM áp dụng lãi suất thỏa thuận khi cho khách hàng vay vốn, nhưng trong các văn bản hiện hành, không có nội dung nào đề cập đến cho vay vượt trần quy định của Bộ luật dân sự. Do đó, khi các NHTM cho khách hàng vay trên cơ sở lãi suất thỏa thuận, mà lãi suất này vượt 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố, NHTM có khả năng bị khách hàng kiện theo Bộ luật dân sự; đồng thời hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng dễ bị tuyên bố vô hiệu, khi đó khách hàng chỉ trả lãi theo lãi suất được quy định tại Điều 476, Bộ luật dân sự, tức là bằng với lãi suất cơ bản do NHNN công bố. Về vấn đề này, tác giả muốn lưu ý về lãi suất trần 150% lãi suất cơ bản. Đối với hoạt động của NHTM, hoạt động cho vay bị hạn chế vì phải đảm bảo an toàn cho tiền gửi của khách hàng. Không phải khách hàng nào, nhu cầu vốn nào ngân hàng cũng cho vay, mà ngân hàng chỉ cho vay những khách hàng mà họ cho rằng có thể kiểm soát được rủi ro tín dụng mà thôi. Còn trong xã hội, việc cho vay tài sản có thể có lãi suất cao hơn, vì người cho vay có thể chấp nhận rủi ro tín dụng cao hơn (chẳng hạn trường hợp các công ty tài chính cho vay trả góp, hoặc các cửa hiệu cầm đồ). Điều này cho thấy, nếu muốn hạn chế cho vay nặng lãi trong xã hội thì không thể duy trì mức lãi suất trần nói trên.
3. Một số kiến nghị
Quan điểm của tác giả là vẫn phải có quy định về lãi suất trần trong Bộ Luật dân sự để tránh tệ cho vay nặng lãi trong xã hội, đồng thời các NHTM vẫn phải tuân thủ quy định này trong hoạt động tín dụng của mình. Từ đó xin có hai kiến nghị dưới đây:
Một là, lãi suất cơ bản cần được tính toán theo sát mặt bằng lãi suất thị trường. Nếu Luật NHNN đã giao cho NHNN nhiệm vụ tính toán mức lãi suất cơ bản thì NHNN nên công khai nguồn số liệu tính toán. Tuy nhiên, tốt hơn cả là giao nhiệm vụ này cho Hiệp hội ngân hàng, vì đây không phải là công cụ của chính sách tiền tệ, mà chỉ là kết quả quan hệ cung – cầu trên thị trường tín dụng mà thôi.
Hai là, Quốc hội cần xem xét lại mức trần 150% của Bộ Luật dân sự. Cần phải có nghiên cứu khảo sát các chủ thể có liên quan đến quan hệ vay mượn tài sản trong xã hội, bao gồm các chủ thể cho vay như NHTM, các công ty tài chính, các cửa hiệu cầm đồ, các chủ thể đi vay như cá nhân, doanh nghiệp… để điều chỉnh mức lãi suất trần cho phù hợp./.









[1] Fed fund rate là lãi suất mà các ngân hàng cho nhau vay để bù đắp thiếu hụt dự trữ bắt buộc trên cơ sở thương lượng, thời hạn vay chủ yếu là qua đêm
[3] Ngân hàng trung ương có thể tác động đến lãi suất cơ bản thông qua các công cụ của chính sách tiền tệ như thị trường mở, lãi suất tái chiết khấu, tỷ lệ dự trữ bắt buộc…, nhưng tác động này là không trực tiếp.
[4] Điều 9, Luật Ngân hàng nhà nước 1997.
[5] Điều 2, Quyết định số 241/2000/QĐ-NHNN1 ngày 02/8/2000
[6] Điều 2, Quyết định số 242/2000/QĐ-NHNN1 ngày 02/8/2000
[7] Điều 1, Quyết định 153/2001/QĐ-NHNN ngày 27/2/2001
[8] Quyết định 546/2002/QĐ-NHNN ngày 30/5/2002
[9] Quyết định 16/2008/QĐ-NHNN ngày 16/5/2008
[10] Điều 1, Quyết định 17/2008/QĐ-NHNN ngày 16/5/2008
[11] Thông tư 01/2009/TT-NHNN ngày 23/1/2009
[12] Thông tư 07/2010/TT-NHNN ngày 26/02/2010
[13] Thông tư 12/2010/TT-NHNN ngày 14/04/2010
[14] Điều 2, Bộ luật dân sự 2005

Leave a Reply

Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

Widget by : All

Tìm kiếm Blog này

Translate

Popular Post

NGƯỜI YÊU THÍCH

Được tạo bởi Blogger.

FACEBOOK CÁ NHÂN

- Copyright © DỊCH VỤ HỖ TRỢ PHÁP LUẬT -Metrominimalist- Powered by Blogger - Designed by Chu Tùng Anh | Blogger CHU TÙNG ANH -