- Back to Home »
- CỘNG HOÀ PHI-LÍP-PIN
Posted by : Unknown
Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014
I. KHÁI QUÁT CHUNG:
1. Tên nước: Cộng hòa Phi-líp-pin (Republic of the Philippines)
2. Thủ đô: Manila
3. Ngày quốc khánh: 12/6/1898
4. Vị trí địa lý: Là quốc gia quần đảo với khoảng 7107 đảo, phía Bắc giáp biển Đài Loan, phía Nam ngăn cách với Malaysia bởi biển Sulu và Celebes, phía Đông là Thái Bình Dương, phía Tây ngăn cách với Việt Nam bởi Biển Đông (cách Việt Nam khoảng 1.500 Km).
5. Diện tích: 300.000 km2
6. Dân số: 92 triệu người (2009)
7. Ngôn ngữ: Tiếng Tagalog. Tiếng Anh được sử dụng rộng rãi và là ngôn ngữ chính thức trong cơ quan và trường học.
8. Tôn giáo: Thiên chúa giáo là quốc đạo với khoảng 85% dân số, Hồi giáo 10%, Tin lành 5% và các đạo khác.
9. Dân tộc: 3 nhóm dân tộc chính: Cơ đốc giáo chiếm 3/4 dân số, các dân tộc miền núi khoảng 5%, người Moro theo Hồi giáo khoảng 5% và ngoại kiều chiếm 2%.
10. Đặc điểm tự nhiên, khí hậu: Toàn bộ bờ biển Phi-líp-pin dài 23.184 km. 3/4 diện tích là rừng núi; đồng bằng thấp, nhỏ, hẹp và có nhiều thung lũng xen kẽ các sườn núi. Phi-líp-pin nằm trong khu vực có nhiều động đất và núi lửa với khoảng 10 núi lửa đang trong thời kỳ hoạt động. Phi-líp-pin có khí hậu nhiệt đới gió mùa, thường có bão lớn (trung bình 20 cơn bão/năm). Phi-líp-pin có hai mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa: mưa-bão từ tháng 6 đến tháng 10; khô-mát từ tháng 11 đến tháng 2; nóng-khô từ tháng 3 đến tháng 5. Nhiệt độ trung bình là 25 độ C.
11. Thể chế nhà nước: Cộng hòa
- Đứng đầu Nhà nước và Chính phủ là Tổng thống, nhiệm kỳ 6 năm, không tái cử nhiệm kỳ 2.
- Cơ quan lập pháp là: Quốc hội (Congress) gồm hai viện. Thượng viện và Hạ viện.
- Toà án: Hệ thống tư pháp của Phi-líp-pin chịu sự quản lý và giám sát của Toà án Tối cao và hoạt động theo 4 cấp gồm: Tòa án thượng thẩm; Tòa án phúc thẩm; Toà án sơ thẩm vùng; và Toà án sơ thẩm tỉnh, thành phố, quận, huyện.
II. QUAN HỆ NGOẠI GIAO, KINH TẾ VỚI VIỆT NAM
1. Ngày thiết lập ngoại giao với Việt Nam: 12/7/1976
Quan hệ hai nước hiện đang phát triển tốt đẹp trên hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại-đầu tư, khoa học-kỹ thuật, an ninh-quốc phòng, nông nghiệp, thủy hải sản…
2. Về chính trị: Hai nước đã ký Tuyên bố chung về "Khuôn khổ Hợp tác song phương trong 25 năm đầu thế kỷ 21 và thời kỳ tiếp theo" (nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Arroyo năm 2002) và Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã ký Chương trình Hành động 2007 – 2010 nhằm triển khai Tuyên bố chung nhân chuyến thăm chính thức Phi-líp-pin của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (8/2007). Hai bên thường xuyên tiến hành các cuộc trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Phi-líp-pin (tháng 8/2007) và có cuộc gặp với Tổng thống Arroyo bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN-Hàn Quốc tại Chechu (tháng 6/2009) và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm gặp Ngoại trưởng Phi-líp-pin bên lề Hội nghị AMM tại Thái Lan (tháng 7/2009)….
3. Hợp tác biển: Đây là một trong những trụ cột chính trong quan hệ hợp tác hai nước. Trong những năm qua, hợp tác biển giữa Việt Nam và Phi-líp-pin không ngừng được củng cố và mở rộng trên nhiều lĩnh vực: nghiên cứu khoa học biển (JOMSRE), thăm dò địa chấn chung (JMSU), hợp tác hải quân, tìm kiếm cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu, thủy sản, khí tượng thủy văn biển, phối hợp lập trường trên các diễn đàn quốc tế và khu vực…
3. Kinh tế, đầu tư, thương mại :
- Về thương mại: kim ngạch thương mại hai nước tăng dần đều qua các năm, từ 541 triệu USD năm 2000 lên khoảng 2,2 tỷ USD năm 2008 trong đó ta xuất 1,8 tỷ USD (1,17 tỷ USD là xuất khẩu gạo) và nhập 400 triệu USD, vượt trước mục tiêu đạt 2 tỷ USD cho năm 2010. Do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2009, kim ngạch hai nước đạt khoảng 1,5 tỷ USD, trong đó ta xuất 1,17 tỉ USD (giảm 25% so với cùng kỳ năm trước) và nhập 310 triệu USD (tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước). Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của ta sang Phi-líp-pin là gạo, linh kiện điện tử và hàng nông sản, nhập của Phi-líp-pin chủ yếu là phân bón, máy móc thiết bị phụ tùng, khoáng chất, khí hóa lỏng, xăng dầu, dược phẩm, vật liệu xây dựng...
- Gạo là mặt hàng chủ lực của ta xuất sang Phi-líp-pin trong nhiều năm qua, chiếm 60 – 70% kim ngạch xuất khẩu. Trung bình ta xuất khẩu từ 1,5 - 1,7 triệu tấn/năm cho Phi-líp-pin.
- Về đầu tư: Tính đến tháng 10/2009, Phi-líp-pin có 43 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư hơn 300 triệu USD, đứng thứ 26/86 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Tháng 7/2008, Việt Nam đã đồng ý để Phi-líp-pin thành lập Trung tâm Đầu tư và Thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tìm hiểu thị trường và cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Trung tâm này trực thuộc Đại sứ quán Phi-líp-pin tại Hà Nội và hoạt động phi lợi nhuận.
4. Về an ninh-quốc phòng: Phi-líp-pin mong muốn thúc đẩy hơn nữa lĩnh vực hợp tác này với Việt Nam. Tư lệnh hải quân Phi-líp-pin thăm Hà Nội ngày 28/11/2009. Hai bên đang tích cực thúc đẩy để ký Biên bản Ghi nhớ về Hợp tác Quốc phòng song phương và Hợp tác hải quân, sớm triển khai kênh liên lạc trực tiếp giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng bảo vệ bờ biển của Phi-líp-pin.
5. Về nông nghiệp: Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Viện nghiên cứu lúa quốc tế ở Phi-líp-pin (IRRI) được thiết lập từ năm 1968. Hiện có khoảng 60-70% diện tích trồng lúa ở Việt Nam đang áp dụng những tiến bộ kỹ thuật về canh tác lúa và các giống lúa mang nguồn gốc IRRI. IRRI đã tài trợ cho hơn 600 lượt cán bộ nghiên cứu Việt Nam. Hiện bình quân mỗi năm có khoảng hơn 100 lượt các nhà khoa học và cán bộ nghiên cứu của IRRI sang Việt Nam và 60-70 lượt các nhà khoa học Việt Nam sang IRRI học tập và làm việc. Việt Nam đã đóng góp cho IRRI hơn 600.000 USD (thông qua tài trợ của Chính phủ Ôxtrâylia).
6. Về giáo dục: Đây là lĩnh vực rất tiềm năng giữa hai nước. Hiện có khoảng 500 sinh viên Việt Nam đang học đại học, thạc sĩ, tiến sĩ bằng học bổng hoặc từ nhiều nguồn khác nhau tại Phi-líp-pin và con số này đang tăng nhanh.
7. Các cơ chế hợp tác:
- Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam – Phi-líp-pin: Tháng 3/1994, hai nước ký thoả thuận thành lập Ủy ban về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật (Ủy ban Hỗn hợp) giữa hai Chính phủ đến nay đã tiến hành các lần họp: lần 1 tại Manila năm 1995, lần thứ 2 tại Hà Nội năm 1997, lần thứ 3 tại Manila năm 2003, lần thứ 4 tại Hà Nội năm 2005, lần thứ 5 tại Manila năm 2008.
- Nhóm công tác chung thường niên về các vấn đề biển và đại dương (JPWG): Bộ Ngoại giao hai nước đã luân phiên tổ chức các Cuộc họp Nhóm Công tác chung thường niên Việt Nam – Phi-líp-pin về các vấn đề biển và đại dương (lần 1 năm 2004; lần 2 năm 2005; lần 3 năm 2006; lần 4 năm 2007; lần 5 năm 2009). Mục đích là để kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện các thỏa thuận từ các cuộc họp trước và trao đổi phương hướng hợp tác trong một số lĩnh vực (bảo vệ môi trường biển, khí hậu biển, an toàn hàng hải, quản lý thủy sản) cũng như phối hợp tại các diễn đàn quốc tế liên quan đến biển.
8. Các chuyến thăm:
a/ Về phía Việt Nam có: Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh (01/1978); Thủ tướng Phạm Văn Đồng (9/1978); Thủ tướng Võ Văn Kiệt (02/1992); Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (5/1993); Phó Thủ tướng Trần Đức Lương (12/1993); Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (02/1995); Chủ tịch nước Lê Đức Anh (12/1995); Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn (6/1998); Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (7/1998); Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (6/2000); Chủ tịch Trần Đức Lương thăm chính thức (11/2001); Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên họp Ủy ban Hỗn hợp lần 3 (2/2003); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thăm chính thức (12/2003); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị AIPO lần thứ 27 tại Cebu (9/2006); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 12 tại Cebu (1/2007); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Phi-líp-pin (8/2007). Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm thăm chính thức và đồng chủ trì Ủy ban hỗn hợp hai nước (02/2008). Bộ trưởng Bộ Công An Lê Hồng Anh thăm chính thức (2/2009).
b/ Về phía Phi-líp-pin có: Ngoại trưởng R.Manglapus (1988); Chủ tịch Hạ nghị viện Ramon Mitra (1991); Bộ trưởng Ngoại giao Roberto Romulo (1992); Tổng thống F. Ramos (1994); Bộ trưởng Ngoại giao Domingo L. Siazon Jr. (1997 và 1999); Tổng thống J. Estrada (1998); Cựu Tổng thống Fidel Ramos (1999); Chủ tịch Hạ viện De Venecia (1999 và 2002); Tổng thống Arroyo thăm chính thức (11/2002); cựu Tổng thống A-ki-nô (2/2003); Ngoại trưởng Delia Domingo Albert thăm chính thức (3/2004); Chủ tịch Thượng viện Drilon (4/2004). Tổng thống Arroyo dự ASEM 5 tại Hà Nội (10/2004); Bộ trưởng Nông nghiệp.... Bộ trưởng Ngoại giao Phi-líp-pin Rô-mu-lô thăm chính thức và đồng chủ trì cuộc họp lần 4 Ủy ban Hỗn hợp (11/2005); Tổng thống Arroyo dự APEC 14 tại Hà Nội (11/2006); Bộ trưởng Nội vụ và Chính quyền địa phương (5/2009); Ngoại trưởng Romulo dự FMM 9 (5/2009).
9. Các văn kiện đã ký kết:
Hiệp định Hợp tác Kinh tế, Khoa học và Kỹ thuật (1/78); Hiệp định Thương mại (1/78); Hiệp định Vận chuyển Hàng không (11/88); Nghị định bổ sung danh mục hàng hoá buôn bán (3/1990); Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư (2/92); Hiệp định Vận tải Hàng hải (2/92); Bản ghi nhớ về hợp tác liên doanh trong một số lĩnh vực của nông nghiệp (3/92); Hiệp định thành lập Uỷ ban hỗn hợp về Thương mại và Kinh tế Việt Nam – Phi-líp-pin (2/92); Hiệp định Hợp tác Văn hoá (3/94); Hiệp định Hợp tác Du lịch (3/94); Thoả thuận lập Uỷ ban Hỗn hợp (3/94); Nghị định thư về danh mục hàng hoá trao đổi giữa hai nước (3/94); Bản nghi nhớ về các nguyên tắc hồi hương người Việt nam không phải tỵ nạn ở Philippin (2/95); Nghị định thư về du lịch (7/95); Bản ghi nhớ về việc ký lại Hiệp định Thương mại mới (11/95); Tuyên bố chung về nguyên tắc 9 điểm giải quyết tranh chấp ở Biển Đông (11/95); Kế hoạch Hành động về giáo dục nhằm thực hiện Hiệp định Văn hoá (11/95); Hiệp định Hợp tác Khoa học Kỹ thuật (4/96); MOU về nghiên cứu chung về biển (4/96); Bản ghi nhớ về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao (01/97); Bản ghi nhớ về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu công vụ và cấp thị thực nhanh cho người mang hộ chiếu phổ thông (12/98); Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ về phòng và chống các tội phạm hình sự (12/98); Thoả thuận về hợp tác Nông nghiệp (10/99); Hiệp định tránh đánh thuế trùng (11/2001); Khuôn khổ hợp tác song phương trong 25 năm đầu thế kỷ 21 và thời kỳ tiếp theo (11/2002) và Bản ghi nhớ về hợp tác thể dục thể thao (12/2002). Hiệp định ba bên Trung Quốc – Phi-líp-pin – Việt Nam về thỏa thuận thăm dò địa chấn trên biển trong Khu vực thoả thuận tại Biển Đông (3/2005); Kế hoạch hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Phi-líp-pin giai đoạn 2006 - 2008 (10/2006); Nghị định thư về Hợp tác Văn hóa (8/2007); Bản thỏa thuận về Hợp tác Xúc tiến Thương mại (8/2007); Chuơng trình hành động giai đoạn 2007-2010(ký 8/2007).
10. Địa chỉ đại sứ quán
Đại sứ quán Phi-líp-pin tại Việt Nam:
Địa chỉ: 27B - Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: (84-04) 39437873/39434493/39437948/39439826/39433849
Fax: (84-04) 39435760
Email: hanoi.pe@dfa.gov.ph; hnpe2000@gmail.com.
Website: hanoipe.org
Đại sứ quán Việt Nam tại Phi-líp-pin:
Địa chỉ: 670 Pablo Ocampo St, Malate, Manila, Philippines
Điện thoại: +63-2-5216843
Fax: +63-2-5260472
Giờ địa phương so với Việt Nam: +1giờ
(Nguồn: Bộ Ngoại giao cập nhật tháng 12/2009)
|