Posted by : Unknown Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

Toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hoá thương mại đã và đang là xu thế nổi bật của kinh tế thế giới đương đại. Phù hợp với xu thế đó, từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế với phương châm “đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Việt Nam sẵn sàng là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển” [1]. Trong điều kiện quốc tế ngày nay khi quá trình hội nhập ngày càng được xúc tiến nhanh, ngoại giao đa phương ngày càng giữ một vị trí quan trọng, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của đất nước trên thế giới. Mặt khác, các hoạt động này của Việt Nam còn phản ánh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần xây dựng các thể chế khu vực và liên khu vực[2]. Ở bài học kỳ này, tôi sẽ: “Phân tích sự tham gia và vai trò của Việt Nam trong một số khuôn khổ hợp tác khu vực và liên khu vực”.

1.                 KHÁI QUÁT CHUNG
1.1.         Việt Nam với hợp tác khu vực
Con đường phát triển của các quốc gia, dường như đã trở thành một quy luật, là hướng ra bên ngoài, tham gia hợp tác khu vực và rộng hơn là toàn cầu. Riêng ở châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam,... đã và đang xây dựng hợp tác khu vực. Việt Nam, với tư cách là chủ thể của luật quốc tế, đã tham gia nhiều các tổ chức quốc tế thế giới, tuy nhiên việc hợp tác khu vực của Việt Nam chủ yếu trong Đông Nam Á thông qua khuôn khổ tổ chức Hiệp hội ASEAN.
ASEAN là một tổ chức chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, thành lập năm 1967 với tôn chỉ đoàn kết, tương trợ và chống tình trạng bạo động và bất ổn tại những nước thành viên. Năm 1995, Việt Nam trở thành thành viên thứ bảy của Hiệp hội ASEAN. Trong suốt quá trình tham gia hội nhập ASEAN, Việt Nam luôn nỗ lực hết mình vì sự phát triển và lớn mạnh của khu vực với ý thức về tầm quan trọng chiến lược của hợp tác khu vực đối với Việt Nam: một hiệp hội ASEAN đoàn kết, vững mạnh và thống nhất sẽ góp phần quan trọng trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển ở khu vực.

1.2.         Việt Nam với hợp tác liên khu vực
Khái niệm hợp tác liên khu vực là khái niệm được hiểu dưới hai góc độ:
(1) Sự hợp tác giữa một quốc gia, tổ chức quốc tế ở khu vực địa lý này với quốc gia, tổ chức quốc tế ở khu vực khác;
(2) Sự tham gia của một quốc gia, tổ chức quốc tế vào một tổ chức quốc tế liên khu vực hoặc diễn đàn liên khu vực (các quốc gia thành viên có vị trí địa lý ở các khu vực khác nhau).
Tuy nhiên, khi nhắc đến sự tham gia và vai trò của một quốc gia trong khuôn khổ hợp tác liên khu vực là nhắc đến việc gia nhập và đóng góp công sức của quốc gia đó vào một tổ chức quốc tế liên khu vực hoặc một diễn đàn liên khu vực.
Trong các khuôn khổ hợp tác liên khu vực mà Việt Nam tham gia thì vai trò của Việt Nam được đánh giá cao và mang tính điển hình nhất đó là tham gia vào Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương (APEC). Diễn đàn này được 12 thành viên thuộc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sáng lập tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế tổ chức ở Can-bê-ra tháng 11/1989 theo sáng kiến của Úc.

2.                 Sự tham gia và vai trò của Việt Nam trong một số khuôn khổ hợp tác khu vực và liên khu vực
2.1.         Việt Nam với khuôn khổ hợp tác khu vực trong ASEAN
Kể từ khi tham gia vào khuôn khổ hợp tác khu vực trong ASEAN, Việt Nam đã có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng ASEAN phát triển thịnh vượng và vững chắc. Bên cạnh việc xây dựng những quy định chung, tích cực tham gia vào tất cả các hội nghị và có những đóng góp rất lớn vào những quyết định chung của ASEAN, Việt Nam còn đóng góp rất tích cực vào việc xây dựng Hiến chương ASEAN[3]
(1) Tiến trình gia nhập ASEAN
Năm 1992, Việt Nam trở thành Quan sát viên, tham dự các Hội nghị Bộ trưởng ASEAN hàng năm. Tháng 7/1994, Việt Nam được mời tham dự cuộc họp đầu tiên của Diễn đàn Khu vực ASEAN và trở thành một trong những thành viên sáng lập của Diễn đàn này. Ngày 28/7/1995, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 (AMM-28) tại Bru-nây, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN và trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập, tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN và có những đóng góp tích cực trong việc duy trì đoàn kết nội khối, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, góp phần không nhỏ vào sự phát triển và thành công của ASEAN.
(2) Thúc đẩy kết nạp thành viên
 Đóng góp đáng ghi nhận của Việt Nam trong ASEAN là vai trò tích cực của Việt Nam trong việc thúc đẩy kết nạp các nước Lào, Mi-an-ma và Cam-pu-chia vào ASEAN, qua đó, hoàn tất ý tưởng về một ASEAN bao gồm toàn bộ 10 quốc gia ở Đông Nam Á, đưa ASEAN trở thành tổ chức đại diện cho toàn khu vực, chấm dứt thời kỳ chia rẽ giữa các nhóm nước, mở ra giai đoạn hợp tác hữu nghị cùng phát triển ở khu vực[4].
(3) Tham gia tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6
Sự kiện mang dấu ấn đậm nét của Việt Nam trong ASEAN là việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội (12/1998). Trong khoảng ba năm, sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của ASEAN và trong bối cảnh khu vực đang trong cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính nghiêm trọng, được các nước thành viên ASEAN và dư luận quốc tế nói chung đánh giá cao. Với việc thông qua Chương trình Hành động Hà Nội, Cấp cao ASEAN 6 đã góp phần quan trọng tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác, khôi phục hình ảnh ASEAN, đặc biệt định hướng cho sự phát triển và hợp tác của Hiệp Hội trong những năm kế tiếp để thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2020.
(4) Hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN khóa 34
Tháng 07/2000- 07/2001, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN khóa 34 và ARF, tổ chức và chủ trì thành công Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 34, Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các nước Đông Bắc Á, Các Hội nghị sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao giữa ASEAN với các nước đối thoại và với từng nước Đối thoại và Hội nghị sông Hằng- sông Mê Kông vào cuối tháng 07/2001. Trong năm Việt Nam làm chủ tịch, ASEAN và ARF  đã đạt được những kết quả quan trọng, tiếp tục phát triển đúng hướng, phù hợp với lợi ích của từng nước ASEAN và lợi ích của cả khu vực.

(5) Xây dựng và thông qua Tuyên bố Bali II
Việt Nam đã đóng vai trò tích cực cùng các nước ASEAN xây dựng và thông qua Tuyên bố hòa hợp ASEAN II tại Bali, In-đô-nê-xia (10/2003), đề ra những định hướng chiến lược cho sự phát triển của ASEAN, hướng tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN năng động, tự cường và gắn kết vào năm 2020 với ba trụ cột chính là Cộng đồng an ninh ASEAN (ASC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN (ASCC- ý tưởng về việc hình thành cộng đồng này là theo sáng kiến của Việt Nam); và các Kế hoạch hành động nhằm triển khai thực hiện Tuyên bố hòa hợp ASEAN II (11/2004 tại Viên chăn).
(6) Đóng góp xây dựng Hiến chương ASEAN
Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia ngay từ đầu vào quá trình hình thành ý tưởng, sau đó là soạn thảo, ký kết, phê chuẩn cũng như triển khai đưa Hiến chương vào thực tế cuộc sống. Đặc biệt trong quá trình đàm phán xây dựng Hiến chương, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng mang tính cân bằng, xây dựng đồng thời thể hiện vai trò là một thành viên năng động, trách nhiệm góp phần điều hòa các khác biệt, cùng các nước ASEAN đi đến được một văn bản dự thảo Hiến chương có giá trị, đáp ứng được yêu cầu chung.
(7) Liên kết nội khối và ngoại khối
Việt Nam tiếp tục tham gia hiệu quả và có những đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng cũng như triển khai Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN gồm các Kế hoạch tổng thể xây dựng 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN và Kế hoạch công tác về Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) giai đoạn 2 (2009-2015), được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 14 (tháng 2/2009). Bên cạnh việc tăng cường thúc đẩy hợp tác và liên kết nội khối, Việt Nam đã tích cực tham gia thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác bên ngoài trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng thời góp phần đề cao và giữ vững vai trò chủ đạo của ASEAN tại các tiến trình hợp tác khu vực. Việt Nam cũng có những đóng góp tích cực nhằm giữ vững vai trò chủ đạo của ASEAN tại các tiến trình hợp tác khu vực do ASEAN khởi xướng như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, Cấp cao Đông Á…, qua đó, góp phần thúc đẩy và đề cao vai trò, vị thế quốc tế của Hiệp hội. Việt Nam đã góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ đối ngoại của ASEAN phát triển cả về bề rộng và chiều sâu; khuyến khích các đối tác tham gia và đóng góp xây dựng vào các trọng tâm và ưu tiên của khu vực[5].
2.2.         Việt Nam với khuôn khổ hợp tác liên khu vực trong APEC
(1) Tiến trình gia nhập APEC
Ngày 15/06/1996, Việt Nam chính thức gửi đơn xin gia nhập APEC. Tiếp theo đó Việt Nam đã xây dựng và gửi bản ghi nhớ về chế độ kinh tế Việt Nam cho ban thư ký APEC để tạo điều kiện thuận lợi cho các nước APEC trong quá trình nghiên cứu và xét duyệt việc gia nhập của Việt Nam. Ngày 25/04/1997 Việt Nam đã nộp đơn xin gia nhập vào 3 nhóm công tác của APEC là: nhóm công tác về xúc tiến thương mại, nhóm công tác về khoa học công nghệ trong công nghiệp và nhóm chuyên gia về hợp tác kỹ thuật nông nghiệp. Tại hội nghị thượng đỉnh và hội nghị cấp Bộ trưởng APEC vào ngày 24-25/11/1997 tại Canada, APEC đã tuyên bố chấp nhận kết nạp Việt Nam, Peru và Nga vào tháng 11/1998[6].
(2) Thực hiện kế hoạch hành động quốc gia
Kế hoạch hành động quốc gia (IAP) không những là văn bản thể hiện các bước đi của Việt Nam tiến tới thực hiện mục tiêu Bô-go của APEC về tự do hóa thương mại và đầu tư mà còn là công cụ quan trọng để phổ biến các thông tin về chính sách kinh tế - thương mại cho các doanh nghiệp ở các nước thành viên APEC nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại, thu hút đầu tư. Xác định tầm quan trọng của IAP, hàng năm, Chính phủ giao Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) chủ trì phối hợp với các Bộ, các ngành hữu quan rà soát và bổ sung IAP trên 15 lĩnh vực bao gồm: Thuế, phi thuế, dịch vụ, đầu tư, thủ tục hải quan, tiêu chuẩn hợp chuẩn, sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, mua sắm của chính phủ, cải cách chính sách, qui chế xuất xứ, giải quyết tranh chấp, đi lại của doanh nhân, thu thập và xử lý thông tin[7]. Việt Nam tham gia đóng góp tích cực trong việc xây dựng mẫu IAP mới của APEC nhằm làm cho IAP của các thành viên rõ ràng, minh bạch hơn với mục tiêu mang lại lợi ích tối đa cho các doanh nghiệp. Bộ Thương mại đã chủ động mời chuyên gia APEC vào Việt Nam và phối hợp với các Bộ- Ngành hữu quan tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn cho các cán bộ Việt Nam xây dựng IAP theo mẫu mới[8].
(3) Thực hiện chương trình hợp tác kinh tế - kỹ thuật
Việt Nam đã tổ chức các khóa họp của Nhóm công tác về khoa học- công nghệ công nghiệp (ISTWG) và tham gia một số cuộc hội thảo và các khóa đào tạo liên quan, khởi xướng các kỳ họp của Nhóm giao thông vận tải (TPTWG). Tổng cục bưu chính- viễn thông đã tham gia Nhóm công tác về viễn thông APEC Tel. Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tham gia nhóm công tác kỹ thuật nông nghiệp (ATC) với chương trình ưu tiên liên quan đến việc bảo tồn và sử dụng nguồn di truyền thực vật, công nghệ sinh học, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, kiểm dịch động thực vật. Bộ công thương đã kết hợp các kỳ họp SOM, CTI để tham dự một số phiên họp của nhóm xúc tiến thương mại APEC (TPWG) và tham gia chương trình khảo sát về hoạt động của các tổ chức xúc tiến thương mại ở nền kinh tế thành viên APEC.
(4) Đăng cai APEC 2006
Vai trò và uy tín của Việt Nam được thể hiện rõ nét nhất thông qua việc các thành viên APEC thống nhất ủng hộ Việt Nam đăng cai APEC năm 2006. Sự thành công của năm APEC 2006 do Việt Nam tổ chức đã để lại dấu ấn tốt đẹp đối với các thành viên. Việt Nam đã đóng góp vào xây dựng các nội dung hợp tác, các chiến lược và kế hoạch hành động của APEC trong tất cả các lĩnh vực, thực hiện nghiêm túc các cam kết của APEC, chủ động đề xuất nhiều sáng kiến, đảm nhận vị trí điều hành nhóm công tác về đối phó với tình trạng khẩn cấp, nhóm công tác về thương mại điện tử, triển khai thành công khoảng 70 sáng kiến trên hầu hết các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác kỹ thuật, y tế, đối phó với tình trạng khẩn cấp, chống khủng bố[9]
(5) Đề xuất nâng cao vai trò của tổ chức
Việt Nam đề xuất nhiều biện pháp tăng cường liên kết kinh tế liên khu vực, chuỗi cung ứng đáng tin cậy và thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo, trong đó coi trọng hợp tác ứng phó với thiên tai, an toàn và an ninh hàng hải, và cứu hộ, cứu nạn trên biển. Việt Nam đề nghị APEC đẩy mạnh hơn phối hợp với các cơ chế liên kết khác ở khu vực, hỗ trợ hợp tác tiểu vùng và kết nối của ASEAN. Các thành viên đánh giá cao và ủng hộ Việt Nam dự kiến đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC vào năm 2017, hướng tới kỷ niệm 20 năm Việt Nam tham gia Diễn đàn và đánh dấu kỳ Hội nghị Cấp cao lần thứ 25 của APEC[10].

3.                 Đánh giá, nhận xét sự tham gia và vai trò của Việt Nam trong một số khuôn khổ hợp tác khu vực và liên khu vực
3.1.         Trong khuôn khổ hợp tác khu vực (ASEAN)
Việt Nam đã và đang khẳng định được vị thế và uy tín của mình; các nước thành viên ASEAN và các nước đối tác bên ngoài đều đánh giá cao sự tham gia tích cực và những đóng góp của Việt Nam trong việc củng cố và phát triển trong Hiệp hội, cũng như quan hệ hợp tác với các nước đối thoại của ASEAN. Việt Nam đã có nhiều đổi mới, từ nâng cao nhận thức và xác định phương hướng, biện pháp hợp tác đến việc cải thiện hiệu quả của tổ chức bộ máy và tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành tham gia hợp tác ASEAN, tạo nên một nỗ lực chung của quốc gia thông qua Chương trình hành động của Chính phủ về việc Việt Nam tham gia ASEAN đến năm 2015[11].
3.2.         Trong khuôn khổ hợp tác liên khu vực (APEC)
Những đóng góp của Việt Nam thể hiện sinh động vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy liên kết khu vực và nâng cao vị thế của Việt Nam trong APEC. Nội dung hợp tác của APEC phù hợp với quan tâm và lợi ích của Việt Nam-tăng cường liên kết kinh tế khu vực, thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, ứng phó với thiên tai- đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững[12].

Kết luận:
Qua phân tích việc Việt Nam tham gia vào tổ chức khu vực Đông Nam Á ASEAN và tổ chức liên khu vực Châu Á- Thái Bình Dương APEC, chúng ta thấy rằng Việt Nam đang nỗ lực không ngừng đóng góp vào mục tiêu phát triển của của tổ chức ASEAN và diễn đàn APEC. Bài viết sử dụng thao tác tổng hợp thông tin và có tham khảo rất nhiều các bài viết, bài báo trên trang báo mạng, do đó, sự trùng lặp và sai sót thông tin là không tránh khỏi. Người viết đã cố gắng để hoàn thiện bài, rất mong thầy cô có thể bỏ qua những sai sót không đáng có này.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.     Hội nhập kinh tế và sự phát triển của Việt Nam: Báo cáo cuối cùng
Dự án do Ủy ban Châu Âu tài trợ
Tháng 12/2009
2.     Tuyên bố Bali II
Nguồn: www.asean.org
3.     AEC Blueprint
Nguồn: www.asean.org
4.           ASEAN Economic Community; Nguồn: www.asean.org/communities/asean-economic-community
5.     An Overview of the AEC Blueprint; Website: www.adbi.org
6.     Giáo trình Pháp luật Cộng đồng ASEAN
Chủ biên: TS. Nguyễn Thị Thuận- ThS. Lê Minh Tiến
Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2012
7.     Cộng đồng kinh tế ASEAN- Sổ tay kinh doanh
Nguồn: trungtamwto.vn
8.     Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC): Xây dựng ASEAN thành một khu vực kinh tế ổn định, phồn vinh và có khả năng cạnh tranh cao
Tổng hợp: Minh Anh. Website: www.baomoi.com
9.     Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
10.            APEC- Sự hình thành và phát triển
Vụ Hợp tác Kinh tế Đa phương, BNG. 10/2009
Bộ ngoại giao Việt Nam
11.            Việt Nam nỗ lực thúc đẩy hợp tác trong APEC
VN tham gia tích cực khuôn khổ hợp tác khu vực
www.vietnamplus.vn



[1] Những thành tựu trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
[2] 28 năm hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam: Tiến trình, thành tựu và giải pháp thúc đẩy, GS.TS. Chu Văn Cấp Học viện CT-HCQG Hồ Chí Minh;
[3] Việt Nam có vai trò quan trọng trong ASEAN, Nhận xét của Tổng thư ký ASEAN Ong Keng Yong, Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
[4] Tài liệu cơ bản về Việt Nam tham gia ASEAN, Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao, www.mofa.gov.vn
[5] Việt Nam đóng góp quan trọng cho ASEAN, dantri.com.vn
[6]Việt Nam kỷ niệm 15 năm gia nhập APEC, Phương Linh - Thanh Bình, kinhdoanh.vnexpress.net
[7] Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương- APEC, doc.edu.vn
[8] Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương – APEC, luanvan.co
[9] Việt Nam nỗ lực thúc đẩy hợp tác trong APEC, www.vietnamplus.vn
[10] Việt Nam tích cực tham gia APEC và hội nhập châu Á-TBD, Theo TTXVN, Vietnam+, dantri.com.vn
[12] Việt Nam trong APEC, Tạp chí Xây dựng Đảng, www.xaydungdang.org.vn

Leave a Reply

Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

Widget by : All

Tìm kiếm Blog này

Translate

Popular Post

NGƯỜI YÊU THÍCH

Được tạo bởi Blogger.

FACEBOOK CÁ NHÂN

- Copyright © DỊCH VỤ HỖ TRỢ PHÁP LUẬT -Metrominimalist- Powered by Blogger - Designed by Chu Tùng Anh | Blogger CHU TÙNG ANH -